Nhật Bản trả giá đắt gấp đôi một loại hạt của Việt Nam, thu về hơn 3.200 tỷ đồng
Doanh nghiệp Nhật Bản trả giá gần gấp đôi năm ngoái để mua một loại hạt thế mạnh của Việt Nam. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật thu về khoảng 3.267 tỷ đồng.
Số liệu thống kê từ Cục Hải quan cho thấy, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang thị trường Nhật Bản giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 20.706 tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vọt lên 127,61 triệu USD (khoảng 3.267 tỷ đồng), tăng mạnh 56%.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê xếp thứ 3 trong nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản.
Đáng chú ý, giá trung bình loại hạt thế mạnh này của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bất ngờ tăng mạnh, lên 6.163 USD/tấn, cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Nhật Bản chỉ chiếm 7,4% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong hai tháng qua. Song, Việt Nam lại là nguồn cung cà phê lớn thứ hai vào quốc gia này, chỉ sau Brazil.
Theo Renub, tiêu thụ cà phê tại Nhật Bản đạt 5,43 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 0,47% trong giai đoạn 2025-2033, ước đạt 5,66 tỷ USD vào năm 2033.
Đó là bởi nhu cầu về cà phê gia tăng, cùng với sự phát triển của các quán cà phê đặc sản, sở thích đối với các sản phẩm cà phê cao cấp và tiện lợi của người tiêu dùng Nhật Bản.
Tuy nhiên, để xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Nhật tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, không chỉ tăng cường sự gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, tối ưu hóa hệ thống logistics và tiếp cận thị trường.