Đưa thương hiệu Tôm Cà Mau vươn xa

Với chủ đề 'Tự hào thương hiệu Việt', Festival Tôm Cà Mau lần đầu tiên được tỉnh Cà Mau tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, để đồng hành, đưa thương hiệu Tôm Cà Mau phát triển hiệu quả bền vững.

Con tôm gắn liền với đời sống kinh tế của người dân cũng như quá trình phát triển của tỉnh Cà Mau

Con tôm gắn liền với đời sống kinh tế của người dân cũng như quá trình phát triển của tỉnh Cà Mau

Sự kiện nổi bật nhất trong năm của của tỉnh Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13/12/2023.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Festival Tôm Cà Mau lần thứ nhất - năm 2023 cho biết, đây là sự kiện nổi bật nhất trong năm của của tỉnh. Thông qua sự kiện này, Cà Mau tập trung quảng bá thương hiệu Tôm Cà Mau - nguồn lợi kinh tế chính của người dân Đất mũi - đến với đông đảo doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước

Từ lâu nay, con tôm gắn liền với đời sống kinh tế, mưu sinh của người dân Cà Mau cũng như quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - giáo dục tại địa phương... Qua Festival Tôm Cà Mau, tỉnh muốn giới thiệu với du khách hình ảnh một điểm đến an toàn, một vùng đất đầy năng động, mến khách, tích cực phát triển và hội nhập bằng chính những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và của quê hương Cà Mau nói riêng.

“Festival Tôm Cà Mau không chỉ đơn thuần là sự kiện kinh tế nhằm phát triển ngành hàng chủ lực của Cà Mau, mà còn thể hiện sự liên kết hữu cơ giữa phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, là niềm tự hào của địa phương. Festival cũng tạo cơ hội giao thương kết nối sản phẩm OCOP, giao lưu văn hóa ẩm thực, góp phần quảng bá hình ảnh con người và vùng đất Cà Mau nghĩa tình, năng động và sáng tạo vì mục tiệu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, gắn với nền tảng văn hóa - xã hội - giáo dục...”, ông Luân nhấn mạnh.

Các hoạt động tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 thể hiện sự hòa quyện giữa sắc màu văn hóa truyền thống của dân tộc với những sắc màu văn hóa đương đại và hiện đại, nhằm khơi dậy sức mạnh tổng hợp của tỉnh Cà Mau, tạo không khí đoàn kết, thể hiện tình cảm trân trọng, mến khách của người dân địa phương với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Chuỗi hoạt động phong phú, hấp dẫn

Theo Ban Tổ chức, rất nhiều chương trình hấp dẫn sẽ được tổ chức tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023.

Chương trình khai mạc với chủ đề “Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt” diễn ra từ lúc 19 giờ, ngày 10/12/2023, tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển. Với hình thức sân khấu hóa, các chương trình văn nghệ mang đậm dấu ấn, đặc trưng của vùng đất, con người Cà Mau. Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến những hình ảnh đẹp, ghi dấu ấn trong lòng khách tham quan, du khách, bạn bè trong nước và quốc tế về một kỳ festival đầy cảm xúc và ấn tượng, thông qua việc xây dựng các thương hiệu ngành tôm, sản phẩm OCOP, đặc biệt là thương hiệu tôm Cà Mau. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và tiếp sóng trên một số đài địa phương.

Festival Tôm Cà Mau không chỉ đơn thuần là sự kiện kinh tế nhằm phát triển ngành hàng chủ lực của Cà Mau, mà còn thể hiện sự liên kết hữu cơ giữa phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, là niềm tự hào của địa phương.

- Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Festival Tôm Cà Mau lần thứ nhất - năm 2023

Không gian trưng bày Triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13/12, tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển. Triển lãm có khoảng 400 gian hàng về ẩm thực; thiết bị, dây chuyền, quy trình, công nghệ chế biến tôm; sản phẩm tôm chế biến công nghiệp, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường dùng trong thủy sản; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái; thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản; sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, sạch bệnh; gian hàng đặc sản, hải sản phục vụ bếp trung tâm; không gian triển lãm, thương mại sản phẩm OCOP (sản phẩm OCOP tiêu biểu của các tỉnh phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và Cà Mau).

Trong khuôn khổ sự kiện, còn có các diễn đàn, hội nghị, hội thảo: Tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 với chủ đề “Nâng tầm liên kết - Phát triển bền vững”; Phiên xúc tiến thương mại; Diễn đàn Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; Hội nghị Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023; Hội nghị Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm… Chuỗi hội thảo có sự đồng hành hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, trong chương trình còn diễn ra Hội thi Sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2023, biểu diễn nghệ thuật tổng hợp, ngày hội Ẩm thực thủy sản Cà Mau, lễ hội diễu hành đường phố. Ban Tổ chức cũng bố trí các tour du lịch tham quan, trải nghiệm, tour du lịch cộng đồng văn hóa vùng sông nước Cà Mau gắn với tham quan các vùng nuôi tôm, các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, vùng nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường như nuôi tôm sinh thái (tôm - lúa, tôm - rừng...), các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP và các làng nghề ven biển…

Công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau lần thứ nhất - năm 2023, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, đồng thời trao Giấy chứng nhận đầu tư cho gần 10 dự án trên

địa bàn. Hội nghị sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 11/12/2023 tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau

“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau trên chặng đường phát triển sắp tới của địa phương trong thời kỳ mới”, ông Thánh nhấn mạnh.

Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng tập trung thu hút đầu tư và những lĩnh vực tiềm năng như nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, cảng biển và năng lượng tái tạo, du lịch…; các chính sách nhằm tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư phát triển du lịch Cà Mau.

Sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 là lễ hội lớn nhất về ngành hàng tôm của vùng và cả nước, có quy mô cấp khu vực, được tỉnh Cà Mau lần đầu tiên đăng cai tổ chức.

Sự kiện nhằm giới thiệu những thành tựu, tiềm năng của ngành tôm và các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau cũng như các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế. Qua đó, tạo cơ hội thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà mua hàng, nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, quảng bá thương hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường đối với các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu tôm, các sản phẩm đặc sản khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Cà Mau sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án Xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Cà Mau phấn đấu xây dựng và phát triển để trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, trung tâm chế biến thủy sản của vùng và cả nước; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Ngoài ra, Ban Tổ chức

Festival Tôm Cà Mau cho biết, nằm trong chuỗi sự kiện của Festival lần này, trong tháng 12/2023, Cà Mau sẽ tổ chức khánh thành 2 dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau và Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Ông Đốc (cầu Ông Đốc).

Công trình cầu bắc qua sông Ông Đốc có tổng kinh phí đầu tư 640 tỷ đồng đã được hợp long sáng 11/11/2023, nối liền hai bờ Nam - Bắc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời). Đây là dự án cầu lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh Cà Mau đầu tư. Công trình có vai trò quan trọng trong việc nối thông suốt trục đường Đông - Tây của tỉnh, kết nối với trục dọc Bắc – Nam, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiếp thêm nguồn lực vực dậy kinh tế biển địa phương.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cà Mau do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến 14,3 km; quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng; vận tốc thiết kế đạt 80 km/giờ; bề rộng nền đường 12 m. Đây là công trình nhằm giảm tải phương tiện, tránh ùn tắc trung tâm thành phố. Tuyến tránh cùng với tuyến nối dài Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau (điểm cuối đấu nối ra Quốc lộ 1 đối diện với điểm cuối tuyến tránh), sẽ tạo hành lang xung quanh thành phố kết nối các trục đường chính tránh nội đô, hạ tầng giao thông trên địa bàn có thay đổi lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dua-thuong-hieu-tom-ca-mau-vuon-xa-d203851.html