Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường

Thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, đặc biệt là tiếng Anh.

Sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Ảnh: M.Quang.

Sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Ảnh: M.Quang.

Tại TPHCM, địa phương có điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh luôn đứng đầu cả nước trong 8 năm qua đang dự kiến sẽ chọn một số trường học thí điểm sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM cho biết, đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình quốc gia Việt Nam trong các trường công lập", gọi tắt là chương trình tiếng Anh tích hợp do UBND TPHCM phê duyệt và được triển khai tại TPHCM từ năm học 2014-2015.

Đề án được giao cho Sở GDĐT TPHCM chỉ đạo, cùng với EMG Education triển khai trong các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Trước đó, từ năm 2012, địa phương đã triển khai đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp và đến nay vẫn kiên trì thực hiện. Thời gian tới TPHCM sẽ nghiên cứu các tiêu chí để chọn một số trường học thí điểm sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất và cũng là địa phương có chất lượng giáo dục đứng đầu cả nước nhưng chất lượng môn tiếng Anh chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng. “Xét về thứ hạng, môn tiếng Anh của Hà Nội đang đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành. Làm sao để cải thiện chỉ số xếp hạng này là điều lãnh đạo ngành GDĐT cũng như lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm” - ông Cương chia sẻ tại lễ khai giảng khóa “Đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên năm 2024” cuối tháng 8 vừa qua.

Theo đó, 1.900 giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam thuộc các cấp học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội đã tham gia khóa học và chia thành 95 lớp với sự đồng hành, trợ giúp của các đơn vị khảo thí tiếng Anh uy tín, các giáo viên tiếng Anh cốt cán từng tham dự khóa bồi dưỡng tại Australia theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội về dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường (CLB 200+). Dự kiến, mỗi thành viên CLB 200+ sẽ hỗ trợ 8 học viên của khóa học.

Trong bối cảnh nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh còn thiếu hụt ở nhiều địa phương, bài toán nâng cao chất lượng dạy và học môn này là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của riêng ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.

Như chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của TPHCM, trong thời gian tới Bộ GDĐT sẽ tham mưu để Chính phủ ban hành chương trình hành động. Bộ GDĐT sẽ cùng với TPHCM triển khai các giải pháp để thành phố có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc.

Từ điểm sáng này, sẽ có những tổng kết, đúc rút, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Về phía TPHCM, ông Thưởng đề nghị địa phương không chờ đợi, chủ động nghiên cứu và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Từ năm 2025, tiếng Anh không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường học không thể lơ là. Vẫn phải coi ngoại ngữ là thế mạnh, công cụ cho học sinh mở cánh cửa vào đời. Việc dạy và học tiếng Anh phải được tổ chức và duy trì một cách nghiêm túc, bài bản và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-nha-truong-10289134.html