Đưa tiếng nói tại nghị trường sát với các vấn đề quốc kế dân sinh
Sau 22,5 ngày làm việc tích cực, tập trung, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã kết thúc với nhiều nội dung quan trọng thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao của nhiều cử tri về một kỳ họp có nhiều điểm nhấn, hiệu quả và thiết thực. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã hoàn thành tốt các nội dung kỳ họp, đặc biệt những ý kiến tại nghị trường đã phản ánh sâu sắc, kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Qua xem xét đã tổng hợp 5 ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền trả lời, giải quyết của các cơ quan Trung ương, 10 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng địa phương.
Đến nay, đoàn đã tiếp nhận 10 văn bản trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng ở địa phương và đã thông tin đến cử tri có kiến nghị. Đối với 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương, hiện đã được Ban Dân nguyện tổng hợp và chuyển đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để xem xét trả lời, giải quyết.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) của Chính phủ, 3 đại biểu đã phát biểu các vấn đề liên quan đến giáo dục, là những nội dung “nóng”, cử tri quan tâm. Đó là đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định huy động để bảo đảm hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh, bảo đảm chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục công lập trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp ĐBQH đưa ra là chỉ nên quy định mức trần và giao thẩm quyền cho địa phương tự quyết mức học phí phù hợp với mức sống, điều kiện cụ thể của từng địa phương để tránh tình trạng lạm thu. Liên quan đến nội dung này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quảng Bình đã có nhiều quyết sách để chia sẻ khó khăn cùng phụ huynh và học sinh, được cử tri và nhân dân đồng tình, tín nhiệm cao.
Các ý kiến cũng đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, như: Đa dạng hóa phương thức đào tạo, phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và việc làm.
Đại biểu cũng đã chỉ rõ những nội dung bất cập trong công tác tuyển sinh của các trường đại học và đề xuất cần quan tâm phổ biến rộng rãi những hình thức tuyển sinh đại học, giúp học sinh chuẩn bị tốt, tạo sự đồng bộ, công bằng trong tiếp cận các cơ hội; đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) rà soát, đánh giá chất lượng của các trường đại học hiện nay để sàng lọc, cấp phép, tránh đào tạo tràn lan kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, kinh phí...
Vấn đề cháy nổ với những hậu quả nghiêm trọng thời gian qua đã được đại biểu thảo luận tại nghị trường. Cùng với chỉ ra các hậu quả và nguyên nhân, như: Quá trình thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không đồng bộ, thiếu chặt chẽ và buông lỏng quản lý dẫn đến những sai phạm của chung cư mini trong Luật Nhà ở.
Cùng với ý kiến đề nghị không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini trong Luật Nhà ở, ĐBQH đề nghị Chính phủ cần kịp thời chỉ đạo xác định trách nhiệm, xử lý cá nhân, tổ chức liên quan để bảo đảm tính răn đe; rà soát lại quy chuẩn, hoàn thiện quy định PCCC bảo đảm phù hợp thực tiễn để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện và vận hành hiệu quả.
Ý kiến của ĐBQH cũng đề nghị quan tâm cấp kinh phí để xây dựng đường gom dân sinh và các hạng mục liên quan đến đường cao tốc, đường sắt; xem xét nâng tốc độ đường cao tốc để tránh lãng phí. Những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 20212025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được đại biểu chắt lọc, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ, thực hiện hiệu quả các chương trình.
Trong công tác xây dựng pháp luật, các ĐBQH đã góp ý 6 lượt tại hội trường, 11 lượt thảo luận tại tổ… Cùng với những ý kiến thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổng hợp bằng văn bản gửi ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.
Về hoạt động giám sát, chất vấn, bên cạnh phát biểu về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu đã tham gia 6 lượt chất vấn trực tiếp tại hội trường về những giải pháp thực hiện Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; chất vấn các bộ: Giao thông vận tải, Tài chính…
Đặc biệt, các giải pháp để hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ, đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi sau dịch Covid-19 (đã được chất vấn tại kỳ họp thứ hai) nhưng chưa được đề cập rõ trong báo cáo giải trình tiếp tục được đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đối với Bộ GD-ĐT, ĐBQH chất vấn về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…
Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của kỳ họp. Tại kỳ họp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng tiếp tục được UBTVQH phân công làm tổ trưởng tổ thảo luận số 12, gồm ĐBQH các đoàn: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Tiền Giang. Phát huy vai trò của mình, đồng chí đã điều hành chất lượng, hiệu quả 4 phiên thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 25/60 lượt phát biểu tại tổ, 11 lượt phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường, 6 lượt chất vấn.
Hầu hết các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh xuất phát từ việc tiếp thu, chắt lọc các kiến nghị, đề xuất của cử tri tỉnh nhà, kết hợp nghiên cứu thực tiễn, nắm bắt những tồn tại, vướng mắc của cơ chế, chính sách, đề xuất được các giải pháp sát đúng và có tính khả thi, đã được UBTVQH ghi nhận, tiếp thu, các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương chú ý theo dõi, cập nhật. Đối với những dự thảo luật có nội dung phức tạp, nhiều quan điểm chưa thống nhất, ĐBQH chủ động thông tin cùng báo chí để góp phần tuyên truyền đến cử tri.
Cùng với hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia nhiều hoạt động bên lề, các cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội, hội thảo, hội nghị... để thu thập, nắm bắt thông tin phục vụ cho hoạt động xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn cũng tăng cường kết nối với các tổ chức, cá nhân để vận động tài trợ, chuẩn bị cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo Tết cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.