Đưa TP. Hồ Chí Minh đến gần các đối tác quốc tế tiềm năng

Từ sau Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20, hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng chịu nhiều thách thức từ bối cảnh phức tạp và khó lường của tình hình thế giới. Dù vậy, Thành phố đã quyết tâm triển khai toàn diện, sâu rộng và hiệu quả công tác đối ngoại, giữ vững hình ảnh, nâng tầm quốc tế, từ đó thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa TP. Hồ Chí Minh và thành phố New York, tháng 9/2023. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa TP. Hồ Chí Minh và thành phố New York, tháng 9/2023. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Tăng cường quảng bá hình ảnh

Dưới sự chỉ đạo và phối hợp đồng bộ của các cấp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, công tác đối ngoại đã quảng bá thành công, xây dựng hình ảnh TP. Hồ Chí Minh phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Thành phố đóng góp tích cực, chủ động cho sự phát triển chung của cả nước, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương trọng điểm, trong bối cảnh kinh tế chung còn nhiều thách thức, địa chính trị thế giới có nhiều biến động.

Hợp tác quốc tế là mảng công tác nổi bật của TP. Hồ Chí Minh trong năm với nhiều hoạt động đa dạng nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế của Thành phố với các địa phương nước ngoài đi vào chiều sâu. Sở là đầu mối theo dõi, đôn đốc triển khai các dự án, nội dung hợp tác của Thành phố với các địa phương nước ngoài, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các đối tác có nhiều nội dung hợp tác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB)… trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, thương mại, chuyển đổi số...

Bên cạnh đó, Thành phố triển khai thành lập các tiêu chí phân loại mức độ quan hệ, với mục tiêu tập trung, triển khai có trọng tâm, trọng điểm các quan hệ kết nghĩa. TP. Hồ Chí Minh triển khai thiết lập mới quan hệ hữu nghị, hợp tác với bốn địa phương nước ngoài gồm TP. New York (Hoa Kỳ), TP. Montevideo (Uruguay), TP. Porto (Bồ Đào Nha), tỉnh Houaphanh (Lào) và một thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực là TP. Rotterdam (Hà Lan).

Nổi bật, ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của Việt Nam ký Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa với TP. New York. Điều này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, thực chất, hiệu quả giữa hai quốc gia ở tất cả các cấp. Sau đó, TP. Hồ Chí Minh thành lập Tổ Công tác chung TP. Hồ Chí Minh – Hoa Kỳ nhằm tạo cơ chế thúc đẩy và triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai bên.

Thêm vào đó, Thành phố chú trọng vun đắp hình ảnh trong lòng bạn bè quốc tế thông qua các sự kiện văn hóa đối ngoại, nổi bật là sự kiện Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Nhật - Việt, Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội Áo dài, Lễ hội sông nước… Các sự kiện này đều nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp và cộng đồng những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố.

Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh)

Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh)

Góp phần xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch

Trên tinh thần huy động và tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ và tìm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, trong năm 2022 và 2023, TP. Hồ Chí Minh đặc biệt đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư tại Thành phố.

Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/08/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Thành phố cũng chủ động lồng ghép các nội dung về kinh tế vào các sự kiện đối ngoại thường niên, trong đó, nổi bật là Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh (FD) và Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) năm 2023.

Đáng chú ý, với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”, HEF năm 2023 là điển hình cho sự năng động và nhạy bén nhằm đưa TP. Hồ Chí Minh tiến gần với các xu thế kinh tế mới của thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đã diễn ra lễ trao bản ký kết Tuyên bố chung giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và việc Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh được xúc tiến thành lập là những hoạt động nổi bật về công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023.

Không những thế, với tinh thần tiên phong đa dạng hóa các cơ chế đối thoại với doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài, Thành phố là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập và triển khai Nhóm công tác chung TP. Hồ Chí Minh – WB và Tổ công tác TP. Hồ Chí Minh - Hoa Kỳ. Với những cơ chế đối thoại này, Lãnh đạo Thành phố có thể lắng nghe nguyện vọng, đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp; góp phần thu hút, triển khai có hiệu quả, thực chất dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, lắng nghe và tiếp thu các kiến nghị chính sách từ các đối tác phát triển như WB trong tình hình mới.

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh Trần Phước Anh. (Nguồn: NVCC)

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh Trần Phước Anh. (Nguồn: NVCC)

Lấy ngoại giao kinh tế làm trọng tâm

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả toàn diện các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, trong đó, ưu tiên tập trung vào ngoại giao kinh tế nhằm thu hút ngoại lực cho phát triển kinh tế bền vững của Thành phố, doanh nghiệp và người dân.

Với phương châm đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024 là: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thứ hai, cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác.

Thứ ba, tích cực phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Ngoại giao, triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và Ban Thường vụ Thành ủy trong đó tập trung huy động nguồn lực, phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế, văn hóa cho TP. Hồ Chí Minh và Bộ Ngoại giao, phù hợp với chủ trương, định hướng của Bộ Ngoại giao (lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm phục vụ).

Thứ tư, chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm các đối tác tin cậy, các nguồn vốn đầu tư, giới thiệu các thế mạnh và những dự án ưu tiên của Thành phố với các nước.

Thứ năm, sớm triển khai Chiến lược nâng tầm Công tác đối ngoại của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các sự kiện ngoại giao kinh tế cấp Thành phố và cấp quốc gia, thành lập các tổ công tác giữa Thành phố với các đối tác nước ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, WB, Diễn đàn Kinh tế thế giới.. nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ chuyển đổi mô hình phát triển của TP. Hồ Chí Minh theo hướng xanh và bền vững.

Với những kết quả và định hướng như trên, nhân dịp Hội nghị Ngoại giao 32 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 21, TP. Hồ Chí Minh mong muốn, Bộ Ngoại giao tiếp tục đồng hành, quan tâm và chỉ đạo sâu sát công tác đối ngoại của Thành phố trong bối cảnh đan xen giữa thách thức và cơ hội hậu đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đề nghị Bộ hỗ trợ, kết nối Thành phố với các đối tác tiềm năng, quảng bá các sự kiện đối ngoại đặc trưng của Thành phố đến các đối tác quốc tế.

Trần Phước Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dua-tp-ho-chi-minh-den-gan-cac-doi-tac-quoc-te-tiem-nang-254363.html