Đứa trẻ thường được cha mẹ ôm và không được ôm, cuộc sống lớn lên rất khác biệt
Cái ôm của cha mẹ mang lại nhiều lợi ích cho con cái.
Cách cha mẹ nuôi dạy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của con cái. Thậm chí có một số chi tiết sẽ quyết định tính cách và thành tích của con khi trưởng thành. Chẳng hạn, việc thường xuyên trao con những cái ôm, tưởng chừng đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đứa trẻ.
A Thành và A Lý là một cặp anh em họ cùng độ tuổi ở Trung Quốc. A Thành sinh trước A Lý một tháng. Gia đình của 2 em không có nhiều sự khác biệt, cả hai cũng học chung trường tiểu học và trung học cơ sở. Đến cấp 3, A Thành thi đỗ trường trọng điểm, còn A Lý chỉ đỗ một trường rất bình thường.
Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy giữa hai đứa trẻ có trải nghiệm sống giống nhau? Được biết, khi còn nhỏ A Thành thường được ông bà và cha mẹ ôm, còn A Lý rất ít khi được như vậy.
Cha của A Thành là con thứ hai trong gia đình và sống trong ngôi nhà cũ với bố mẹ. Khi A Thành chào đời, cậu được chăm sóc toàn diện hơn, thường được ông bà ôm vào lòng và được bố mẹ ôm khi đi làm về. Cuối tuần, khi không phải đi làm, bố mẹ A Thành cũng dành nhiều thời gian cho con trai. Họ hay dành cho con những cái ôm để biểu thị tình cảm.
Tuy nhiên, A Lý thì khác. Bố cậu là con cả trong gia đình, đơn vị công tác ở xa nên đưa vợ con đến sống trong ngôi nhà do đơn vị cấp. Bởi đi làm bận rộn nên bố mẹ A Lý có rất ít thời gian cho con, cũng không có thời giờ để ôm ấp, tâm sự với con.
Thực tế, một số nhà khoa học đã thực hiện các thí nghiệm liên quan đến sự tiếp xúc gần gũi với 61 trẻ em. Họ phát hiện ra rằng những đứa trẻ được cha mẹ tiếp xúc da kề da thường xuyên từ sớm, như cho con bú, ôm, xoa đầu,... có trạng thái phát triển tốt hơn những đứa trẻ không được hưởng những điều này.
Sự khác biệt rõ ràng nhất thể hiện giữa những đứa trẻ thường xuyên được cha mẹ ôm và hiếm khi được ôm thể hiện ở 3 khía cạnh:
1. Có khoảng cách lớn trong việc phát triển tính cách
Những đứa trẻ thường được cha mẹ ôm tỏ ra hướng ngoại, tự tin và thường duy trì thái độ tích cực hơn đối với mọi việc. Điều này thực ra là do trẻ có cảm giác an toàn mạnh mẽ hơn và nguồn gốc của sự an toàn là từ những cái ôm của cha mẹ trong thời thơ ấu.
Những đứa trẻ khi còn nhỏ không được ôm thường xuyên thì khác. Các em thường có lòng tự trọng thấp và tính cách nhút nhát, rất sợ thua cuộc, luôn lo lắng không biết mình đã làm sai điều gì nên càng hướng nội hơn. Hành vi cũng tương đối tiêu cực, bởi vì các em không thấy tự tin.
2. Những "lỗ hổng" trong phát triển thần kinh
Hành vi đụng chạm có tác động rất lớn đến sự phát triển thần kinh của trẻ, có thể kích thích thần kinh liên tục khiến hệ thần kinh hoạt động tích cực hơn và phát triển tốt hơn.
Tất nhiên, do các tín hiệu thần kinh được phong phú nhờ sự đụng chạm nên hoạt động của não bộ trẻ cũng sẽ tăng theo. Do đó việc cha mẹ tiếp xúc gần gũi rất có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ, có thể khiến trẻ nhạy cảm hơn, tư duy và trí nhớ rõ ràng hơn.
Ngược lại, thần kinh và não bộ của những đứa trẻ không được cha mẹ tiếp xúc gần gũi thường ở trạng thái "chờ", không có nhiều kích thích, không tiếp nhận được nhiều tín hiệu bên ngoài nên sẽ trở nên đờ đẫn. Nói một cách đơn giản, nó cản trở sự phát triển trí tuệ.
3. Có khoảng cách đáng kể về mặt trí tuệ cảm xúc
Trẻ thường xuyên được ôm sẽ có đời sống tình cảm phong phú, điều này thúc đẩy trí tuệ cảm xúc, năng lực kiểm soát cảm xúc của trẻ được nâng cao. Trong trường hợp ngược lại, những đứa trẻ không được cha mẹ ôm, tiếp xúc gần gũi sẽ không có nhiều trải nghiệm cảm xúc, dẫn đến nhận thức và kiểm soát cảm xúc tự nhiên yếu kém, trí tuệ cảm xúc cũng không thể phát triển mạnh mẽ.