Đưa văn hóa đọc lan tỏa trong trường học
Ngành Giáo dục huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã có nhiều cách làm hay phát triển phong trào văn hóa đọc trong trường học, lan tỏa trong cộng đồng.
Phát triển văn hóa đọc từ nhà trường
Sáng 29/5, UBND huyện và Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động đọc sách năm học 2022-2023 và triển khai hoạt động “Hè vui cùng những trang sách” năm 2023.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục huyện Thạch Hà, toàn huyện hiện có 51/67 trường học có thư viện. Trong đó 39 trường TH và THCS có thư viện thân thiện, 12 trường mầm non có thư viện đồ chơi của bé. Số lớp học có tủ sách: 668 tủ sách (đạt tỷ lệ 100%). Ngoài ra, 100% trường mầm non, tiểu học xây dựng các không gian mở để học sinh làm quen sách và đọc sách .
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục huyện Thạch Hà đã được đầu tư xây dựng thêm 6 phòng thư viện; phối hợp với Tổ chức Zhi-Shan hỗ trợ trang thiết bị cho 3 thư viện và 95 tủ sách lớp học cho 8 trường trên địa bàn huyện.
Các trường bố trí thư viện tại các khu vực thuận lợi, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tiếp cận và sử dụng sách của giáo viên và học sinh. Thư viện được thiết kế xanh thoáng mát, yên tĩnh giúp học sinh có thêm không gian đọc thú vị.
Năm học 2022-2023, huyện Thạch Hà đã có hơn 386.000 lượt học sinh Tiểu học và THCS mượn sách đọc. Bình quân số sách mỗi học sinh Tiểu học đọc trong năm là 65 cuốn còn THCS là 52 cuốn. Trong đó có nhiều em đã thực hiện đọc hơn 100 cuốn/năm như: em Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc (lớp 4B, trường Tiểu học Nam Điền) 275 cuốn; em Vũ Khánh Đan (lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú) 115 cuốn...
Hàng tuần, các trường có tổng hợp kết quả để biểu dương những em đọc nhiều sách. Các phụ huynh mượn nhiều sách và động viên những em ít đọc mượn sách về nhà để đọc.
Hoạt động thư viện cũng được triển khai hiệu quả đến các trường mầm non. Toàn huyện có 12 thư viện đồ chơi của bé, trong đó 10 thư viện do Tổ chức Zhi-Shan tài trợ, 2 thư viện do nhà trường tham mưu xây dựng. Vào đầu năm học Ban giám hiệu phê duyệt thời gian biểu cho các lớp hoạt động tại thư viện đảm bảo phù hợp như: hoạt động làm quen với sách, đọc sách cho trẻ nghe; thành lập câu lạc bộ “Bé yêu văn học” bồi dưỡng kỹ năng đọc, kể diễn cảm cho trẻ; góc đọc sách.
Những cách làm hay lan tỏa văn hóa đọc
Tại hội nghị tổng kết, nhiều cách làm hay cũng đã được đại diện các trường học trên địa bàn chia sẻ đến các đại biểu.
Cô giáo Lê Thị Phương – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Thạch Hà chia sẻ “bí quyết” để học sinh tìm đến sách để đọc. Theo cô Phương, thay vì việc giới thiệu sách một cách nhàm chán, GV cần sáng tạo trong tổ chức bằng các trò chơi trong 15p đầu buổi như: rung chuông vàng, cửa số bí mật… lồng ghép các kiến thức trong sách để các em mày mò tìm hiểu. GV cũng có thể lồng ghép những nội dung ngoài SGK phù hợp với lứa tuổi trong các tiết HĐGD theo chủ đề, chủ điểm… Với cách làm hay, trong năm học vừa qua, trường Tiểu học thị trấn đã có 15.600 lượt học sinh mượn sách đọc, trung bình mỗi em đọc 75 cuốn/năm, có em đọc 110 cuốn/năm.
Còn tại trường Tiểu học Thạch Long, nhà trường đã xây dựng, sắp xếp hệ thống sách thư viện theo 14 chủ để giúp học sinh dễ lựa chọn tìm kiếm. Mỗi chủ đề được phân loại, sắp xếp theo mã màu. Nhà trường còn có tủ sách nghiệp vụ giáo viên, tủ sách – thiết bị đồ dùng chung hỗ trợ học sinh khó khăn…
Theo thầy giáo Lê Văn Phương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà, hàng năm các hoạt động đọc sách được nhà trường đưa vào kế hoạch dạy học như: thực hiện hiệu quả hoạt động tự đọc 15 phút đầu giờ đối với THCS và chia sẻ sách và giới thiệu sách mới đối với tiểu học.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến đọc để hình thành và phát triển thói quen đọc cho học sinh như: đọc sách tại thư viện, đọc sách tại các không gian mở, mượn sách về nhà đọc, lồng ghép đọc sách trong các hoạt động giáo dục khác; tổ chức ngày đọc sách, tuần đọc sách, đọc sách theo chủ đề, thi kể chuyện theo sách, viết về sách, các hoạt động viết, vẽ, sáng tác câu chuyện, tổ chức hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày đọc sách gia đình.
Ngoài ra, thông qua việc tổ chức các hoạt động: khai giảng, đầu xuân năm mới, tổng kết năm học, các thời điểm tổ chức các hoạt động khuyến đọc, trao đổi sách giữa các trường... đã “làm giàu” thêm tài nguyên sách tại thư viện mỗi đơn vị.
Nhờ phát huy hiệu quả từ hoạt động đọc sách trong nhà trường, năm học 2022- 2023, huyện Thạch Hà 895 em đạt giải Trạng nguyên Toàn tài cấp tỉnh; 2 em đạt giải Đại sứ văn hóa đọc cấp Quốc gia, 1242 em đạt giải Trạng nguyên Tiếng Việt cấp tỉnh, 3 em đạt giải cấp Quốc gia. 3 học sinh đạt giải Nhì; 83 em học sinh lớp 9 đạt học sinh giỏi tỉnh các môn văn hóa, trong đó môn Ngữ văn có 10 em đạt giải cấp tỉnh.
Cũng tại hội nghị tổng kết, ngành GD&ĐT huyện Thạch Hà đã triển khai hoạt động “Hè vui cùng những trang sách” năm 2023. “Đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh trong dịp hè, phát huy tối đa hiệu quả thư viện trường học. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức xã hội, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giúp học sinh học tốt các môn học", bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng GDĐT huyện Thạch Hà nhấn mạnh.
Nhân dịp này, tổ chức Zhi-Shan Foundation đã trao biểu trưng số tiền 555 triệu đồng hỗ trợ thiết lập 3 thư viện thân thiện và 95 tủ sách cùng tài liệu cho ngành Giáo dục huyện Thạch Hà. Được biết, trong 10 năm qua tổ chức Zhi-Shan Foundation đã hỗ trợ thiết bị, thiết lập và tổ chức các hoạt động thư viện cho các trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-van-hoa-doc-lan-toa-trong-truong-hoc-post640779.html