Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung Thu

Góc ban công Hà Nội, Ô Quan Chưởng, bếp xưa... làm từ bánh Trung Thu của cô gái 9x - Nguyễn Thị Thùy Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) mang đậm nét văn hóa truyền thống đang gây sốt mạng xã hội bởi thiết kế cầu kỳ, độc đáo, trông như những tác phẩm điêu khắc.

Nghỉ việc ở ngân hàng, theo đuổi đam mê

Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính kế toán, cô gái trẻ 9X tên Nguyễn Thị Thùy Dương (Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) đã ở lại Hà Nội và xin làm vị trí nhân viên ngân hàng với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Theo chia sẻ của Thùy Dương, cô là người yêu thích các nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, bởi vậy sau 3 năm ra trường, cô gái 9X ấy đã từ bỏ công việc văn phòng với thu nhập ổn định để theo đuổi đam mê làm bánh của mình.

Nguyễn Thị Thùy Dương làm bánh Trung Thu hình Ô Quan Chưởng. Ảnh: Trung Nguyễn.

Nguyễn Thị Thùy Dương làm bánh Trung Thu hình Ô Quan Chưởng. Ảnh: Trung Nguyễn.

Nuôi dưỡng ước mơ từ thời đại học, với số vốn 20 triệu đồng, Thùy Dương đã tự mở một cửa hàng bánh Trung Thu nhỏ ở Thủ đô và bắt đầu tập trung vào công việc kinh doanh. Thời điểm mới bắt đầu, Thùy Dương cho biết cô đã giấu gia đình về việc nghỉ làm tại ngân hàng vào cuối năm 2018 để chuyển sang kinh doanh bánh. Nhờ có kinh nghiệm và kiến thức làm bánh từ thời sinh viên, cô gái sinh năm 1995 đã có một lượng khách hàng ổn định, cửa hàng bánh của cô từ đó cũng phát triển dần dần.

"Tôi mong muốn du khách quốc tế khi tìm kiếm từ khóa "Bánh Trung Thu" trên Google đều hiện ra những chiếc bánh Trung thu do chính tôi tạo ra mang những hình ảnh về văn hóa của người Việt Nam”.

Nguyễn Trịnh Thùy Dương

Chia sẻ với phóng viên, Thùy Dương cho biết: “Tôi đã cân nhắc rất kỹ mới đi đến quyết định nghỉ việc để dồn sức thực hiện ước mơ ấp ủ nhiều năm. Tôi cũng hiểu đó là bước đi mạo hiểm nhưng bản thân cảm thấy không còn đủ sức để duy trì tốt cả hai công việc một lúc. Hơn nữa, tôi muốn thử sức với niềm đam mê của mình, kể cả có thất bại đi chăng nữa”.

Tháng đầu mở cửa hàng, sau khi trừ mọi chi phí, doanh thu của Thùy Dương là hơn 20 triệu đồng, cao gấp đôi so với lương đi làm. Khoản thu nhập này được xem như động lực để bản thân cô quyết tâm đi theo con đường đã chọn.

Những sản phẩm tạo hình bánh Trung Thu của cô gái 9x. Ảnh: Trung Nguyễn.

Những sản phẩm tạo hình bánh Trung Thu của cô gái 9x. Ảnh: Trung Nguyễn.

Để tạo ra điểm khác biệt trong sản phẩm, Thùy Dương đã kiên trì nghiên cứu các phương pháp làm bánh mới, sáng tạo, thử nghiệm nhiều lần để làm ra được những tác phẩm bánh Trung Thu độc đáo và khác lạ so với thị trường. “Nếu bánh Trung Thu có thể kết hợp với điều gì đó gợi nhớ hoài niệm và văn hóa, tôi nghĩ món quà sẽ có ý nghĩa hơn” – cô gái 9x bày tỏ.

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình

Từ đam mê và ý tưởng của bản thân, thay vì làm bánh Trung Thu có hình tròn hay vuông, để làm phong phú, đa dạng và tạo ra sự khác biệt, mỗi năm Thùy Dương sẽ sáng tạo một mẫu bánh Trung Thu mang ý nghĩa khác nhau. Chủ đề cô gái 9x lựa chọn thường hướng tới nét văn hóa truyền thống của người Việt hoặc gợi nhớ về những hoài niệm, ký ức thời thơ ấu của mình.

Bánh Trung Thu "bếp xưa" của cô gái 9x. Ảnh: Trung Nguyễn.

Bánh Trung Thu "bếp xưa" của cô gái 9x. Ảnh: Trung Nguyễn.

Ban đầu, cô gái 9x thử làm những mẫu bánh dễ như con cá hay tiểu cảnh. Sau đó, Thùy Dương đã thử thách bản thân làm ra những mẫu bánh độc đáo có hình con rồng, gà trống, chú bé chăn trâu, mái đình, cây đa... hay chiếc chạn bát – Gác-măng-giê với bát đĩa sành, hũ mỡ lợn hay chiếc ấm đun nước. Trong khi đó, bánh Trung Thu hình nồi gang, chiếc ấm đun nước gợi nhớ hình ảnh những thơ ấu, hình bóng mẹ hiền ngồi nấu cơm bên bếp lửa hồng, xung quanh là đàn con thơ đang chờ bố đi làm về.

Được biết, thời gian làm ra một chiếc bánh hình đơn giản như cá chép, gà trống, bếp xưa... sẽ chỉ mất khoảng từ 2-6 giờ. Còn những tác phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kì hơn như Ô Quan Chưởng, góc ban công phố cổ Hà Nội mất khoảng 2 ngày.

Bánh Trung Thu tạo hình ban công phố cổ Hà Nội.

Bánh Trung Thu tạo hình ban công phố cổ Hà Nội.

Thùy Dương chia sẻ chiếc bánh Trung Thu "ban công" là một trong những chiếc bánh khó làm nhất bởi kích thước và khối lượng rất lớn lên đến 5kg, để hoàn thành chiếc bánh này Thùy Dương đã phải chia làm nhiều phần, mỗi phần có một công thức bột và nhân khác nhau cũng như thời gian nướng bánh phải phù hợp với từng phần, sau đó mới được ghép lại thành một khối thống nhất.

Sử dụng nguyên liệu truyền thống từ bột gạo và nhân đậu xanh, những chiếc bánh với hình dạng độc đáo nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống. Thùy Dương không hề thay đổi bất cứ công thức hay hương vị làm bánh mà vẫn giữ hương vị cổ truyền, chỉ có phần nhân bên trong cô sử dụng nhân nhuyễn như đậu xanh - trà xanh chứ không sử dụng nhân thập cẩm hay các nhân có sợi, có hạt để có thể dễ dàng hơn trong thao tác tạo hình.

Với những thành quả đạt được, Thùy Dương còn mở thêm lớp dạy làm bánh với hy vọng góp một phần nhỏ lưu giữ bản sắc văn hóa cổ truyền và đưa nó vào cuộc sống đời thường. Bởi cô gái 9x quan niệm, việc đưa bánh Trung Thu tiếp cận thị trường rộng rãi hơn chính là lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.

Trung Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-van-hoa-viet-vao-tao-hinh-banh-trung-thu.html