Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự sống còn của Đảng, chế độ và dân tộc. Đó là nguồn gốc sức mạnh, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta.

Phải biết phát huy sức mạnh của nhân dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt, Người luôn biết phát huy trò to lớn của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì thế, Người thường dạy rằng, sự nghiệp cách mạng của Đảng là vô cùng to lớn, nếu không biết dựa vào dân thì Đảng có tài giỏi mấy cũng khó có thể làm nổi. Người nhấn mạnh, dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ việc gì cũng không làm nên.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta luôn dựa vào dân, gắn bó với dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhờ đó, Đảng ta lớn mạnh không ngừng, xứng đáng với vai trò của một Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá ta quyết liệt về mọi mặt, chúng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ bằng cách kích động quần chúng, chia rẽ dân tộc, tôn giáo hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (CBĐV) có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhân với Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận CBĐV chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của CBĐV chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao”.

Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) cũng đã nhận diện: “Một bộ phận CBĐV, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra 5 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh, đề cao đến nhóm giải pháp phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tạo điều kiện cho nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, để phát huy tốt vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, trước hết, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Sự chỉnh đốn của Đảng được thể hiện bằng việc làm và hành động cụ thể của mỗi CBĐV.

Cụ thể, mỗi CBĐV phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh với nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những căn bệnh và hệ quả xấu của nó là sự cảnh báo nghiêm khắc; đồng thời cũng là những chỉ dẫn và yêu cầu mỗi CBĐV phải thực hiện, để họ không chỉ “biết lãnh đạo” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói mà còn luôn là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Mặt khác, cần thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Để thực hiện hiệu quả phương châm trên cần phải mở rộng dân chủ rộng rãi, tăng cường phản biện xã hội, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc đoàn kết, tập hợp nhân dân. Song song đó, cần định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe ý kiến của nhân dân về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của CBĐV. Bởi vì chỉ trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới biết được những cán bộ nào hết lòng vì công việc, được dân mến, dân yêu, dân tin, để sắp xếp, bố trí một cách hợp lý; những cán bộ nào không đủ năng lực, không làm được việc, gây mất lòng tin với nhân dân thì phải chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời, thậm chí phải miễn nhiệm, cách chức, cho thôi việc.

Để phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì phải cho họ biết thông tin và đó phải là thông tin đầy đủ, chính xác. Đây là yêu cầu rất cần thiết, chứ không phải chỉ là con số báo cáo kiểu “làm đẹp”. Đồng thời, mỗi CBĐV phải liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng nhân dân. Đặc biệt là, chú trọng vai trò nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại” mà “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, mỗi CBĐV phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, là người lãnh đạo xứng đáng, là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân./.

ThS.Trần Văn Toàn (Trường Chính trị Lê Duẩn)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dua-vao-nhan-dan-de-xay-dung-dang-trong-sach-vung-manh-a165228.html