Đưa vào sản xuất giống lúa mới góp phần tăng năng suất, chất lượng
Giai đoạn 2015-2020, trong mỗi mùa vụ sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện khảo nghiệm những giống lúa mới để lựa chọn những giống có năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng lúa qua từng năm, đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh.
Cán bộ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra diện tích lúa BC15 có chuyển gen kháng đạo ôn tại thị trấn Bo (Kim Bôi).
Thực hiện Dự án điểm Nông nghiệp dinh dưỡng năm 2020, trong vụ mùa, hè thu, Chi cục TT&BVTV đã phối hợp Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam chi nhánh Ba Vì, Tổng Công ty Sông Gianh chi nhánh Bắc Ninh triển khai mô hình canh tác giống lúa chất lượng trên nền phân bón Sông Gianh tại xóm Chàm, xã Tân Pheo (Đà Bắc). Mô hình có tổng diện tích 5 ha, với 38 hộ tham gia. Trong đó, diện tích giống VNR 20 là 4 ha, diện tích giống lúa Sumo 1 ha. Đồng chí Vũ Thị Thanh Huyền, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV cho biết: Từ kết quả thực tế, cơ quan chuyên môn đã đánh giá cao hiệu quả mô hình. Giống lúa VNR 20 và Sumo thâm canh trên nền phân bón Sông Gianh cho thấy khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất đạt từ 60-65 tạ/ha, cao hơn một số giống lúa khác tại địa phương từ 20-25%. Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn sản xuất đại trà từ 13-14 triệu đồng/ha/vụ. Vì vậy, chi cục đã khuyến khích người dân địa phuơng tiếp tục nhân rộng diện tích 2 giống lúa này. Đồng thời, phối hợp chính quyền xã Tân Pheo đẩy mạnh tuyên truyền để 2 giống lúa được đưa vào sản xuất trong các vụ tiếp theo.
Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp triển khai khoảng 10 mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới. Qua kết quả khảo sát đã đánh giá và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương như: giống lúa TBR 225, Đài thơm 8, Kim cương 111, JO1, JO2, giống BC 15 mới có chuyển gen kháng đạo ôn, VNR 20… Cơ cấu giống lúa được sử dụng trong sản xuất đã có sự thay đổi đáng kể, chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ lệ các giống lúa thuần, giống lúa chất lượng cao. Việc nhân rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa, từng bước nâng cao đời sống người dân và quan trọng nhất là góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Nếu như năm 2015, năng suất lúa bình quân vụ mùa chỉ đạt khoảng trên 48,6 tạ/ha, đến nay, năng suất lúa vụ mùa đã tăng lên 54-55 tạ/ha; năng suất vụ đông xuân tăng lên 59 tạ/ha.
Đồng chí Vũ Thị Thanh Huyền đánh giá: Xu hướng chuyển đổi rõ nét về cơ cấu giống lúa tỉnh ta những năm gần đây là việc tăng nhanh sử dụng các giống lúa ngắn ngày, thích nghi cả 2 vụ đông xuân và vụ mùa, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Việc đưa vào canh tác các giống lúa mới ngắn ngày còn góp phần tiết kiệm chi phí, phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng vụ. Các giống lúa mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc BVTV, hướng tới nền sản xuất sạch.
Từ năm 2015 đến nay, chi cục đã phối hợp các đơn vị liên quan trồng khảo nghiệm, đánh giá, chọn lọc và đưa vào sản xuất 10 bộ giống lúa mới, chiếm khoảng 80% diện tích gieo trồng toàn tỉnh. Các giống lúa mới được đưa vào sản xuất đã thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa. Mặc dù diện tích sản xuất lúa giảm nhẹ so với năm 2015, nhưng năng suất, sản lượng lúa luôn đảm bảo, chất lượng ngày càng cao. Hiện, sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh trung bình đạt khoảng 36 vạn tấn. Một số giống chất lượng đã dần khẳng định thương hiệu, được đánh giá cao, tiêu biểu nhất là gạo JO2 của huyện Đà Bắc.