Đưa việc học tiếng Việt tại nước ngoài trở thành công việc bình thường như 'cơm ăn, áo mặc' hàng ngày
Ngày 2/12, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại học quốc gia Hà Nội) khai mạc khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, 40 bà con là những người hàng ngày mang tâm huyết nhiệt huyết để quảng báo tiếng Việt một cách tự nguyện bằng chính công sức của mình.
“Chính phủ chỉ hỗ trợ các giáo trình giảng dạy, còn bà con tự tổ chức lớp, mang công sức của mình để biến các giáo trình giảng dạy phù hợp với từng địa bàn, mang nhiệt huyết của mình truyền tiếng Việt cho các thế hệ, và đây là điều hết sức trân quý”-ông Đông nói.
Ông Đông cũng nhấn mạnh, ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, là cầu nối gắn kết thế hệ người Việt với tất cả mọi nơi trên thế giới. Dù ở bất cứ nơi nào nhưng khi nghe thấy tiếng Việt là thấy quê hương, Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng công tác giảng dạy tiếng Việt. Ngay từ Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã nhấn mạnh duy trì, gìn giữ phát huy tiếng Việt để xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lớn mạnh.
Cũng theo ông Đông, trong thời gian vừa qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều khóa học, chương trình liên quan đến đào tạo, phổ biến, quảng bá ngôn ngữ tiếng Việt. Khi chúng ta có Ngày tôn vinh tiếng Việt thì phong trào dạy và học tiếng Việt ở trên khắp nơi trên thế giới đã ở mức độ cao hơn, có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều người nước ngoài tham gia để quảng bá tiếng Việt. Từ các giáo trình đã chuyển hóa một cách phù hợp với trình độ của nước sở tại, với nhiều mô hình sáng kiến hay để dạy tiếng Việt hiệu quả hơn.
“Hiện nay việc dạy tiếng Việt ngày càng khó khăn hơn do các em sinh ra và lớn lên trong môi trường tiếng nước ngoài, học bằng tiếng nước ngoài nên học tiếng Việt có khó khăn hơn. Vì thế cần có biện pháp để việc học tiếng Việt trở thành công việc bình thường như “cơm ăn, áo mặc” hàng ngày để tiếng Việt phát triển mạnh mẽ hơn”-ông Đông nói.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ, cảm thấy vinh dự khi được Bộ Ngoại giao tín nhiệm trao nhiệm vụ tổ chức lớp tập huấn. Ông Tuấn nói: “Trong thời gian qua Trường đã nỗ lực xuất phát từ nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu và lan tỏa văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt ra cộng đồng kiều bào tại các quốc gia. Quan trọng hơn là trong nỗ lực chung, chiến lược của Đảng và Nhà nước liên quan đến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam nên trường nhận thấy đây là trách nhiệm của nhà trường. Đặc biệt chúng tôi đã tổ chức các dự án, chương trình liên quan đến tiếng Việt, xây dựng các kênh giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào”.
Chia sẻ cảm xúc của mình, bà Đặng Thu Hiền, giáo viên dạy tiếng Việt tại Malaysia mong muốn có thêm kinh nghiệm, kiến thức để học hỏi thêm các phương pháp giảng dạy tiếng Việt. Qua đó, đưa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam để những kiều bào, người nước ngoài biết ngôn ngữ Việt Nam, yêu văn hóa và con người Việt Nam. Bên cạnh đó, qua việc tập huấn sẽ có mối quan hệ, kết nối với các giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại các nước trên thế giới để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, mở rộng phạm vi để truyền đạt được nét đẹp ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Hành trình lan tỏa văn hóa tiếng Việt trên thế giới là minh chứng sống động cho lòng tự hào dân tộc và khát khao gìn giữ bản sắc văn hóa ngôn ngữ dân tộc của mỗi con người xa xứ, là ngọn lửa khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong việc mang ngôn ngữ mẹ đẻ đến với thế hệ tiếp theo, hướng tới sứ mệnh chung để tiếng Việt mãi là cầu nối gắn kết trái tim hướng tới quê hương.
Khóa tập huấn năm 2024 diễn ra từ ngày 1-15/12/2024, có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt từ 9 quốc gia trên thế giới. Theo chương trình, các học viên sẽ tham gia các hoạt động chính gồm: tập huấn trên lớp về phương pháp giảng dạy tiếng Việt do các giảng viên của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đứng lớp; tọa đàm chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài; dự giờ tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội; tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội như viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Phủ Chủ tịch; thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long.