Đưa võ cổ truyền vào trường học

Với nhiều giá trị đặc sắc, võ cổ truyền Việt Nam đang được khuyến khích phát triển ở các trường học tại Thái Nguyên.

Học sinh trường THCS Chu Văn An (TP Thái Nguyên) hăng say tập luyện võ cổ truyền vào các giờ nghỉ.

Học sinh trường THCS Chu Văn An (TP Thái Nguyên) hăng say tập luyện võ cổ truyền vào các giờ nghỉ.

Phát huy tinh thần thượng võ cho thế hệ trẻ

Với ý nghĩa lưu giữ và phát huy tinh thần thượng võ, phong trào tập luyện võ cổ truyền đang ngày càng được coi trọng, thu hút đông đảo bạn trẻ đam mê võ thuật tại Thái Nguyên.

Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam để xây dựng khung chương trình giảng dạy võ cổ truyền theo từng cấp học. Trong năm học 2024 - 2025, theo kế hoạch, võ cổ truyền được đưa vào làm nội dung tự chọn, tăng cường thêm nội dung trong tiết thể dục và lồng ghép vào các giờ giải lao, khởi động để giảng dạy cho học sinh.

 Thầy và trò trường THCS Chu Văn An (TP Thái Nguyên) tập luyện võ cổ truyền.

Thầy và trò trường THCS Chu Văn An (TP Thái Nguyên) tập luyện võ cổ truyền.

Trong môi trường học đường, việc học võ không chỉ giúp học sinh rèn luyện thể chất mà còn nâng cao đạo đức, tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm. Em Lê Trường Giang, học sinh lớp 7, trường THCS Chu Văn An (TP Thái Nguyên) chia sẻ: “Khi môn võ cổ truyền mới được đưa vào giảng dạy trong các giờ thể dục, em cảm thấy thích thú và hào hứng khi được học môn võ này. Việc học võ cổ truyền trong trường học giúp em có thêm hiểu biết về võ thuật của dân tộc ta bên cạnh đó học võ còn giúp em giải trí và giảm bớt căng thẳng sau mỗi giờ học và nâng cao sức khỏe bản thân”.

Tương tự, em Dương Quốc Đô, học sinh lớp 8A, Trường PT Dân tộc nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên) hào hứng chia sẻ: “Đối với em, học võ không chỉ rèn luyện sức khỏe và tự vệ cho bản thân mà qua việc học võ còn giúp em kết nối với bạn bè, giải tỏa căng thẳng sau giờ học, rèn luyện cho em tính kiên nhẫn và kỷ luật. Bên cạnh đó, học võ còn giúp em tăng vốn hiểu biết về những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc”.

Định hướng phát triển võ cổ truyền trong nhà trường

Tuy nhiên, việc giảng dạy võ cổ truyền tại một số trường học vẫn gặp khó khăn như thiếu giáo viên có chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ và sự cạnh tranh với các môn thể thao hiện đại. Cô Nguyễn Việt Hà - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An trao đổi: “Hiện nay, việc đưa võ cổ truyền lồng ghép cùng với nội dung học của nhà trường còn gặp một số khó khăn, các em học sinh chưa có giáo trình tự học, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa có phòng tập chức năng đáp ứng đủ với số lượng học sinh của nhà trường”.

Trước những khó khăn này, các trường đang từng bước khắc phục bằng cách mời huấn luyện viên từ các trung tâm võ thuật uy tín, bổ sung trang thiết bị tập luyện phù hợp và tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn để nâng cao sự hứng thú của học sinh với bộ môn giàu giá trị truyền thống này.

 Một giờ học võ cổ truyền tại trường PT Dân tộc nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên).

Một giờ học võ cổ truyền tại trường PT Dân tộc nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên).

Bên cạnh đó, việc tổ chức các giải đấu võ cổ truyền trong phạm vi trường, liên trường hoặc cấp tỉnh cũng tạo động lực để học sinh hứng thú tham gia, phát triển phong trào một cách mạnh mẽ. Phát triển võ cổ truyền không chỉ góp phần nâng cao thể chất cho học sinh mà còn giúp bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc trong môi trường giáo dục.

Nhằm nâng cao thể chất và rèn luyện tinh thần cho học sinh, Trường PT Dân tộc nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên) đã định hướng đưa bài võ căn bản vào chương trình giảng dạy, đảm bảo 100% học sinh đều được tiếp cận và tập luyện.

“Hiện tại nhà trường đang triển khai hướng dẫn tập luyện cho nhóm các em học sinh và hướng tới mục tiêu hướng dẫn tập luyện cho các em học sinh toàn trường bài võ cơ bản, nhà trường sẽ triển khai kế hoạch thành lập câu lạc bộ võ cổ truyền tại trường học” - thầy Anh Đức, giáo viên Giáo dục Thể chất, Trường PT Dân tộc nội trú THCS Phú Lương chia sẻ.

Sở GD&ĐT Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phát triển võ cổ truyền trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động giáo viên, học sinh tham gia tập luyện võ cổ truyền nhằm nâng cao sức khỏe để học tập, lao động. Nhiều hình thức được các nhà trường triển khai như: Thành lập CLB Võ cổ truyền; lồng ghép giảng dạy vào môn Giáo dục Thể chất; đồng diễn trong các hoạt động hằng tuần, thi đấu hằng năm; tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục thể chất…

Thu Hiền - Hoàng Lan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-vo-co-truyen-vao-truong-hoc-post724801.html