Dubai không chỉ có nhà giàu, siêu xe qua lời kể của cô gái Việt
Ngọc Diệp từng nghĩ Dubai là nơi chỉ dành cho người giàu với vàng, siêu xe. Sau hơn 2 năm gắn bó, cô nhận ra thành phố này còn nhiều điều thú vị hơn thế.
Ngọc Diệp từng nghĩ Dubai là nơi chỉ dành cho người giàu với vàng khối và siêu xe. Sau hơn 2 năm gắn bó, cô nhận ra thành phố này còn nhiều điều thú vị hơn thế.
Lương Ngọc Diệp (23 tuổi, hiện sống tại Vương quốc Anh) từng theo học ngành quản trị du lịch quốc tế tại Middlesex University Dubai (UAE). Đây là chia sẻ Ngọc Diệp gửi cho Zing, kể về những trải nghiệm đặc biệt của cô khi sống tại một tiểu vương quốc Ả Rập.
Năm 2019, muốn học chuyên sâu về du lịch quốc tế, tôi quyết định ra nước ngoài. Điểm đến của tôi là Dubai, một trong những thành phố có ngành du lịch phát triển hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, văn hóa Hồi giáo và sự bí ẩn của các quốc gia Trung Đông luôn khiến tôi tò mò.
Thời điểm đó, nhiều người khuyên tôi cân nhắc kỹ. Chính tôi cũng từng lo không trụ được lâu ở Dubai vì nghĩ nơi đây toàn người siêu giàu như phim ảnh khắc họa.
Cuối cùng, tôi vẫn kiên định với lựa chọn của mình và thật may mắn, thành phố này đã cho tôi nhiều điều thú vị hơn mong đợi.
Những ngày đầu bỡ ngỡ
Dubai chào đón tôi bằng cái nóng cháy da. Dù biết đây là vùng sa mạc, khí hậu nóng khô kèm nắng gắt, tôi vẫn không khỏi hốt hoảng. Ở Việt Nam, 37 độ C đã khiến tôi bứt rứt, khó chịu nhưng khi đến đây, tiết trời dưới 40 độ C đã là điều nhiều người mong mỏi.
Chính quyền Dubai phải thiết kế mưa nhân tạo để giải nhiệt trong nắng nóng kéo dài, nhất là những ngày đạt 50 độ C.
Nhiều lúc, tôi còn đùa rằng mình không thể “sống sót” ở thành phố này nếu thiếu máy lạnh và kem chống nắng.
Một trải nghiệm khó quên của tôi là lần chờ xe bus dưới nắng gắt.
Thông thường, xe sẽ đến đúng giờ trên bảng điện tử. Không biết vì lý do gì, ngày hôm ấy, xe không xuất hiện. Vì tiếc tiền và tin vào lịch trình, tôi tiếp tục chờ thay vì bắt taxi.
Gió nóng từ sa mạc khiến tôi choáng váng. Mồ hôi chảy ướt đẫm lưng áo, nước chảy vào mắt cay xè. Sau 3 tiếng đồng hồ mòn mỏi, cuối cùng tôi cũng phải gọi taxi để tới trường.
Một chuyện khác là vì hầu hết người sống tại Dubai đều theo đạo Hồi, thịt heo trở thành thực phẩm cấm kỵ, không được bày bán công khai. Tôi từng khá bối rối khi không tìm được món này trong lần đầu đi siêu thị.
Sau đó, tôi mới biết họ vẫn đặt một quầy thịt heo trong góc khuất, ghi rõ “For non-Muslim” (tạm dịch: dành cho người không theo đạo Hồi).
Thịt cừu, gà hay bò khá rẻ, trong khi thịt heo lại đắt hơn hẳn, dao động từ 15-20 AED (đơn vị tiền tệ của UAE, tương đương khoảng 93.000-125.000 đồng).
Một điều đặc biệt khác trong văn hóa Hồi giáo là tháng nhịn ăn sám hối Ramadan. Trong suốt đợt lễ này, tất cả các tín đồ đều không ăn uống, hút thuốc từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Vì vậy, hàng quán trong thời gian này đều ngừng hoạt động hoặc phải che chắn kỹ, hạn chế gây xao nhãng cho người dân.
Điều này làm tôi vừa hoang mang khi cần đi chợ mua thực phẩm, vừa tò mò và thấy thú vị khi đã được giải thích.
Dubai không như phim ảnh
Nhắc đến Dubai, người ta thường nghĩ ngay đến các câu lạc bộ đêm náo nhiệt, trung tâm mua sắm xa hoa, bãi biển đầy sôi động cùng hàng trăm khách sạn cao cấp. Siêu xe xuất hiện trên mọi cung đường và ai ở đây cũng thuộc giới siêu giàu.
Quả thật, thành phố này rất sầm uất và phát triển vượt bậc nhưng không phải ai ở đây cũng nhiều tài sản.
Vẫn có nhiều người thu nhập, chi tiêu ở mức trung bình, đi lại bằng ôtô giá rẻ, ăn uống tại hàng quán bình dân.
Họ không sắm hàng thời trang xa xỉ hay mua vàng theo kg tại các chợ như trong hình dung của tôi.
Chuyện ăn xin cũng là một lầm tưởng của tôi trước khi đến Dubai.
Trong nhiều bộ phim, làm hành khất ở thành phố này sẽ sớm trở thành triệu phú vì được người giàu cho tiền. Thực tế, xin tiền không dễ đến thế. Cảnh sát không cho phép người ăn xin hoạt động tùy tiện và sẽ bắt giữ nếu có dấu hiệu lừa đảo.
Ngoài ra, khác với phim ảnh, cuộc sống ở Dubai nói riêng và nhiều nơi khác tại Trung Đông đều khá hòa nhã, thân thiện giúp tôi thấy vui vẻ và an toàn.
Vấn đề phụ nữ
Ở trường đại học, tôi là du học sinh Việt Nam duy nhất. Không có đồng hương nào ở quanh. Suốt những năm sống tại Dubai, tôi chỉ dùng tiếng Anh và một chút tiếng Arabic trong giao tiếp.
Nhiều lúc, tôi thấy cô đơn, nhớ quê hương và thèm tâm sự bằng tiếng Việt. May thay, nỗi buồn sớm trôi qua nhờ sự chia sẻ của bạn bè bản xứ. Họ giúp tôi thấy an toàn, được quan tâm, chăm sóc, giảm bớt lo lắng trong thời gian sống độc lập tại một đất nước Hồi giáo.
Dù vậy, tôi vẫn khó tránh khỏi bất tiện khi là phụ nữ ở Trung Đông.
Theo quy định, nữ giới phải mặc abaya (một loại áo choàng truyền thống), không được để lộ da thịt trước người khác. Vì thế, tôi thường xuyên bắt gặp ánh mắt dò xét khi diện quần ngắn, áo cộc tay khi trời nóng. Không riêng gì tôi, nhiều bạn gái theo đạo vẫn mặc đồ ngắn cho mát mẻ nhưng phải giấu kín dưới lớp áo choàng.
Tương tự, nếu không đội hijab (khăn đầu đặc trưng của đạo Hồi) khi ra ngoài, phụ nữ ở đây sẽ bị quy tội khoe khoang ngoại hình. Bên cạnh đó, các gia đình Ả Rập gốc vẫn khá gay gắt với tôn chỉ “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, tự quyết định vấn đề hôn nhân thay vì cho con gái quyền lựa chọn.
Ngoài một số tiêu cực còn tồn đọng, tôi thấy nữ giới ở Dubai vẫn được tiếp nhận nền giáo dục quốc tế, nhiều người hoàn thành đại học và nắm giữ vị trí quan trọng ở các tiểu vương quốc Ả Rập.
Đặc biệt, phụ nữ ở đây đẹp mặn mà, có những mùi tinh dầu thơm rất đặc trưng giúp phân biệt họ với người đến từ vùng khác.
Sau vài năm ở Dubai, tôi vừa chuyển tới sống tại Vương quốc Anh và luôn muốn về thăm Dubai nếu có cơ hội. Dịp trở lại sắp tới, tôi sẽ ăn thỏa thích các món khoái khẩu như súp thịt cừu và shawarma - bánh cuộn nhân thịt đặc trưng của vùng Trung Đông.