Đức: 160.000 người biểu tình ở Berlin, CDU phá vỡ 'tường lửa', cựu thành viên tuyên bố rời đảng

Cuối tuần qua, rất nhiều người đã xuống đường biểu tình tại Aachen, Augsburg, Braunschweig, Bremen, Cologne, Essen, Frankfurt, Hamburg, Karlsruhe, Leipzig, Würzburg và nhiều thành phố nhỏ khác, nhằm phản đối việc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) tìm kiếm sự ủng hộ từ đảng cực hữu AfD.

Những người biểu tình tham gia cuộc tuần hành trước cổng Brandenburg ở Berlin, Đức. (Nguồn: Getty Images)

Những người biểu tình tham gia cuộc tuần hành trước cổng Brandenburg ở Berlin, Đức. (Nguồn: Getty Images)

Theo hãng tin DW của Đức, cảnh sát Berlin cho biết, ít nhất 160.000 người đã tham gia cuộc biểu tình, với lý do chính là để phản đối việc CDU/CSU dựa vào sự ủng hộ của đảng cực hữu AfD để thông qua dự luật về hạn chế nhập cư tại Quốc hội hồi đầu tuần trước.

Lý do của làn sóng phẫn nộ

Ngay sau khi cuộc biểu tình bắt đầu bên ngoài tòa nhà Quốc hội liên bang, một số người hô vang khẩu hiệu: “CDU, thật đáng xấu hổ!”.

Nhiều người khác cáo buộc CDU và ứng cử viên thủ tướng Friedrich Merz đã “ký thỏa thuận với quỷ dữ” khi tìm kiếm sự ủng hộ của AfD để thông qua dự luật.

Chỉ còn ba tuần trước cuộc tổng tuyển cử tại Đức, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy CDU/CSU đang dẫn đầu, trong khi AfD xếp thứ hai.

“Tôi đã nhiều lần khẳng định rõ ràng và dứt khoát: Chúng tôi sẽ không hợp tác với AfD”, ông Friedrich Merz tuyên bố hôm 2/2.

Ông nhấn mạnh CDU đang “chiến đấu để giành đa số chính trị trong nền dân chủ”, trong lúc kiểm tra hội trường chuẩn bị cho Đại hội đảng diễn ra vào ngày 3/2 tại Berlin.

Khi được hỏi liệu có chấp nhận phiếu bầu từ AfD để bảo đảm đa số trong trường hợp không đảng nào giành chiến thắng tuyệt đối hay không, ông trả lời ngắn gọn: “Không”.

Việc CDU tìm kiếm sự ủng hộ từ AfD trong Quốc hội tuần trước đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Đức. Việc thúc đẩy thông qua Nghị quyết với sự hỗ trợ của AfD là động thái phá vỡ điều cấm kỵ trong chính trường hiện đại của Đức.

Với động thái này, ông Friedrich Merz – ứng cử viên hàng đầu trước thềm tổng tuyển cử – đã phá vỡ “tường lửa”, vốn được thiết lập sau những tàn phá kinh hoàng của Đức Quốc xã.

Kể từ sau Thế chiến II và thảm kịch Holocaust, các đảng chính trị truyền thống tại Đức đạt được đồng thuận rằng phe cực hữu không bao giờ được phép nắm quyền trở lại. “Tường lửa” này đồng nghĩa với việc không có bất kỳ hình thức hợp tác công khai nào với các đảng cực hữu.

Michel Friedman cho biết ông không còn thuộc về CDU. (Nguồn: DPA)

Michel Friedman cho biết ông không còn thuộc về CDU. (Nguồn: DPA)

"Bước ngoặt thảm khốc"?

Mặc dù dự luật nhập cư với các điều khoản siết chặt hơn bị bác bỏ với tỷ lệ sít sao vào cuối tuần, nhưng dư chấn của sự việc chưa dừng lại.

Cựu chính trị gia Michel Friedman, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng trung ương người Do Thái tại Đức, tuyên bố rời khỏi CDU để phản đối việc đảng này hợp tác với AfD trong chính sách di trú. Ông gọi đây là “bước ngoặt thảm khốc đối với nền dân chủ”.

Ông Friedman tham gia cuộc biểu tình tại Berlin hôm 2/2 nhấn mạnh, nước Đức cần tập trung ngăn chặn sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Nhắc đến AfD, ông tuyên bố: "Đây là đảng của sự thù hận". Ông cũng khẳng định không thể bỏ qua sai lầm của CDU khi tìm kiếm sự ủng hộ từ AfD, dù dự luật cuối cùng không được thông qua.

Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên chỉ trích CDU một cách dễ dãi, đặc biệt trong bối cảnh tranh cử, mà cần tập trung vào việc ngăn chặn một phần năm cử tri bỏ phiếu cho AfD.

Những người biểu tình bằng thuyền kayak ở thành phố Cologne, miền Tây nước Đức. (Nguồn: DW)

Những người biểu tình bằng thuyền kayak ở thành phố Cologne, miền Tây nước Đức. (Nguồn: DW)

(theo DW)

Đông Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-160000-nguoi-bieu-tinh-o-berlin-cdu-pha-vo-tuong-lua-cuu-thanh-vien-tuyen-bo-roi-dang-302977.html