Đức bảo đảm an ninh cho EURO 2024

Các lực lượng cảnh sát Đức đã và đang sẵn sàng cho các hoạt động an ninh quy mô lớn khi người hâm mộ bóng đá khắp thế giới đến xem EURO 2024.

Lực lượng cảnh sát được điều động tới các sân vận động. (Ảnh: Reuters)

Lực lượng cảnh sát được điều động tới các sân vận động. (Ảnh: Reuters)

Nguy cơ thường trực

Rạng sáng thứ 7 (15/6) lễ khai mạc và trận đấu mở màn EURO 2024 đã diễn ra tại sân vận động Allianz Arena thu hút khoảng 66 nghìn người hâm mộ tới tham dự. Từ thời điểm này, bầu không khí cuồng nhiệt tại Đức được dự báo sẽ ngày càng "nóng" hơn cho tới trận chung kết ngày 14/7.

Ước tính, 2,7 triệu khán giả sẽ tham dự các trận đấu trên 10 sân vận động. Với những khán giả không thể chiêm ngưỡng tận mắt những màn đọ sức, Đức cũng xây dựng những khu vực công cộng với màn chiếu cỡ lớn để phục vụ khoảng 12 triệu người hâm mộ. Cộng thêm hàng loạt ngôi sao đến từ 24 đội tuyển quốc gia, công tác bảo đảm an ninh cho tất cả là mối quan tâm hàng đầu.

Với số lượng người ở khắp mọi nơi đổ dồn về nước Đức trong những ngày diễn ra EURO, quốc gia này luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Giới lãnh đạo cũng đã xây dựng các kế hoạch an ninh nhằm chống lại những mối đe dọa tấn công mạng, những nhóm cổ động viên "hooligan" hay các nguy cơ khủng bố...

Sau vụ tấn công khủng bố tại Moscow (Nga) diễn ra vào tháng 3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã cảnh báo rằng “các mối nguy hiểm giờ đã được nâng lên mức độ mới”. Để chặn đứng nỗi lo này, cảnh sát hiện sẽ tiến hành kiểm soát biên giới tạm thời ở tất cả các nẻo đường tiến vào nước Đức xuyên suốt thời gian diễn ra giải đấu.

Cảnh sát kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới và các nhà ga, sân bay. (Ảnh: Getty)

Cảnh sát kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới và các nhà ga, sân bay. (Ảnh: Getty)

Theo chuyên gia về rủi ro địa chính trị, khủng bố và an ninh Olivier Guitta, những đối tượng khủng bố luôn cố gắng tấn công mục tiêu mà chúng chưa thành công trong quá khứ. Vì vậy, đứng đầu danh sách luôn là các sân vận động bóng đá.

"Stade de France từng bị đe dọa tấn công vào năm 2015 ở kỳ EURO diễn ra tại Paris (Pháp). Những trận đấu ở Champions League trong những tháng qua cũng vậy. Giờ đây, EURO và Olympic là một trong hai mục tiêu hàng đầu của các tổ chức khủng bố", Olivier Guitta bổ sung thêm.

Tăng cường phối hợp các lực lượng cảnh sát

Để giám sát các sự kiện và bảo vệ công chúng, Đức đã tập hợp 600 chuyên gia trên khắp châu Âu, những người sẽ làm việc từ Trung tâm Hợp tác Cảnh sát Quốc tế (IPCC) mới tại Neuss ở phía tây đất nước.

Tại trung tâm này, lực lượng cảnh sát quốc gia sẽ làm việc theo ca cùng với các quan chức từ Đức, Europol và UEFA như một phần của hoạt động an ninh phối hợp nhằm phát hiện những kẻ gây rối tiềm ẩn. Họ cũng sẽ trao đổi thông tin về những nhóm cổ động viên hooligan hoặc có tiền sử xung đột hay bạo lực trên khán đài.

"Các sĩ quan sẽ làm việc trong thời gian ba ngày (trước, trong và sau trận đấu). Đội ngũ sĩ quan mặc thường phục hoạt động trên sân có nhiệm vụ theo dõi người hâm mộ. Khi phát hiện bất kỳ ai gây rắc rối hoặc xác định được ai bị cấm tham gia các trận đấu, họ sẽ báo cho nhóm IPCC và họ sẽ chuyển thông tin đó cho phía Đức để họ ra tay hành động", Mick Johnson, Giám đốc Đơn vị Kiểm soát Bóng đá Vương quốc Anh, giải thích.

Trung tâm Hợp tác Cảnh sát Quốc tế (IPCC) tại Neuss. (Ảnh: Reuters)

Trung tâm Hợp tác Cảnh sát Quốc tế (IPCC) tại Neuss. (Ảnh: Reuters)

Ở trận chung kết Champions League mùa này diễn ra tại sân vận động Wembley, Cảnh sát Thủ đô London đã thực hiện 56 vụ bắt giữ, trong đó có năm trường hợp xâm phạm sân cỏ.

Thực tế, khoảng 800 đến 1.300 cảnh sát sẽ được bố trí chung quanh các sân vận động cho mỗi trận đấu nhằm kiểm tra kỹ càng túi xách cũng như khâu soát vé. Quân đội Đức cũng sẽ giám sát bầu trời nhằm phát hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và cung cấp mọi thông tin về bộ chỉ huy trung tâm IPCC.

Những khu vực dành cho người hâm mộ ở các thành phố đăng cai, nơi hàng nghìn người ủng hộ có thể vào cửa miễn phí, sẽ đặt ra một thách thức an ninh khác. Các chuyên gia cảnh báo những “mục tiêu mềm” như vậy sẽ dễ bị tổn thương hơn vì có ít sự kiểm tra hơn và ít lực lượng cảnh sát hơn.

"Hooligan" sẽ phải dè chừng

Tháng 5/2024, hàng trăm cảnh sát đã tham gia một cuộc tập dượt lớn tại một nhà ga xe lửa ở làng Stutzerbach, Ilmenau, miền trung nước Đức. Khoảng 200 sĩ quan cảnh sát tập sự đóng vai những người hâm mộ có thiên hướng bạo lực bước xuống tàu. Họ ngay lập tức gặp cảnh sát địa phương và hàng trăm cảnh sát liên bang đã được gọi đến hỗ trợ khi tình hình leo thang.

Người phát ngôn cảnh sát Karsten Taschner khẳng định: Không còn bạo lực là mục tiêu chính của chúng tôi. Nước Đức muốn chào đón tất cả mọi người tham gia giải đấu. Chúng tôi rất cởi mở. Nhưng các phương án đã được chuẩn bị sẵn sàng nếu các khán giả không kiềm chế được bản thân.

Cảnh sát Đức diễn tập chuẩn bị cho EURO 2024. (Ảnh: Reuters)

Cảnh sát Đức diễn tập chuẩn bị cho EURO 2024. (Ảnh: Reuters)

Người hâm mộ của một số quốc gia tham dự giải đấu có lịch sử bạo lực với người hâm mộ, gồm Ba Lan, Hungary, Croatia, Hà Lan và Romania. Serbia, đối thủ của Anh trong trận đấu đầu tiên vào ngày 16/6, cũng nổi tiếng về bạo lực.

Chánh thanh tra Christof Burghardt chia sẻ: Đối với trận đấu ở Gelsenkirchen, người hâm mộ sẽ được phục vụ bia có nồng độ cồn thấp hơn trong sân vận động và không được uống rượu trên khán đài. Đây là trận đấu có rủi ro rất cao nếu nhìn vào những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Từ Vương quốc Anh, ước tính khoảng 300.000 người hâm mộ sẽ tới Đức. Trước số đông những người hâm mộ, các quan chức Đức đã cảnh báo sẽ có cách tiếp cận “không khoan nhượng” với những hành vi bạo lực. Những hành động và cử chỉ khiếm nhã nếu bị bắt đều sẽ được cảnh sát Đức áp giải đến một điểm rút tiền và nộp phạt ngay tại chỗ.

Thực tế, văn hóa Đức không hoàn toàn khác với văn hóa Anh. Cảnh sát đã quen với việc những người uống rượu, hay các hoạt động làm kinh tế ban đêm. Lực lượng cảnh sát ở Đức thậm chí được đánh giá cao về khả năng giao tiếp, vô cùng chào đón người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới bên cạnh khả năng bảo đảm an toàn an ninh.

Điểm mới về các vấn đề phát sinh trên không gian mạng cũng được cập nhật. Nếu như kỳ EURO trước, hiện tượng Bukayo Saka, Marcus Rashford và Jadon Sancho bị lạm dụng phân biệt chủng tộc trên mạng sau khi đá hỏng quả luân lưu trong trận chung kết đã gây nên sự chấn động. Bây giờ, việc truy tố những kẻ lạm dụng cầu thủ bóng đá trực tuyến giờ đây sẽ dễ dàng hơn khi các công ty truyền thông xã hội ngày càng hợp tác hơn.

Cảnh sát bóng đá Vương quốc Anh Mark Roberts nhấn mạnh: Nếu mọi người nghĩ rằng họ có thể trốn đằng sau bàn phím của mình và phân biệt chủng tộc hoặc bằng cách khác tham gia vào các tội ác căm thù trực tuyến, chúng tôi sẽ theo đuổi việc đó và sẽ truy tố họ tới cùng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duc-bao-dam-an-ninh-cho-euro-2024-post814478.html