Đức bắt đầu cuộc bầu cử mang tính quyết định trong lịch sử
Ngày 23/2, cử tri Đức đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được coi là mang tính quyết định nhất trong lịch sử gần đây.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Đây là cuộc bầu cử liên bang sớm trước thời hạn lần thứ tư trong lịch sử để bầu ra 630 thành viên Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag), do sự tan rã của liên minh cầm quyền hồi tháng 11/2024 sau nhiều tháng tranh cãi về ngân sách và việc giải tán quốc hội ngày 27/12/2024.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa lúc 8h ngày 23/2 (giờ địa phương, tức 14h theo giờ Việt Nam) và dự kiến đóng cửa lúc 18h cùng ngày. Người dân Đức cũng có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhưng để được tính là hợp lệ, lá phiếu của họ phải đến trước thời điểm các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào ngày bầu cử.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri bên ngoài phòng bỏ phiếu diễn ra từ buổi sáng. Theo kế hoạch, việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử có thể phần nào dự đoán được bức tranh chung và kết quả chính thức cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào đầu ngày 24/2 (giờ địa phương).
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), 59,2 triệu người Đức đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Bundestag lần thứ 21 này, thấp hơn so với 61,2 triệu cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021, chủ yếu do những thay đổi về nhân khẩu học và thống kê dân số được điều chỉnh sau cuộc tổng điều tra dân số năm 2022. Cơ quan lập pháp gồm 630 thành viên sẽ bầu ra Thủ tướng tiếp theo cho nước Đức.
Có 29 đảng có tên trong lá phiếu, nhưng dự đoán chỉ có từ 5 - 8 đảng giành đủ ít nhất 5% số phiếu cần thiết để có ghế trong quốc hội.
Hiện có 4 ứng cử viên đang chạy đua để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đức gồm đương kim Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, ông Friedrich Merz, ứng cử viên của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ, đương kim Phó Thủ tướng Robert Habeck thuộc đảng Xanh bảo vệ môi trường và bà Alice Weidel thuộc đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) phản đối nhập cư.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy khối liên minh của ông Merz đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ khoảng 30%. Tiếp đó là AfD, với khoảng 20% số phiếu ủng hộ. Đảng SPD của ông Scholz và đảng Xanh của ông Habeck tụt lại phía sau.
Mặc dù ông Merz đang nhận được sự ủng hộ lớn nhất để có thể trở thành Thủ tướng Đức, nhưng hiện vẫn chưa rõ liên minh cầm quyền nào có thể thành lập sau cuộc bầu cử.
Việc thành lập chính phủ mới dễ hay khó có thể phụ thuộc một phần vào số lượng đảng trong quốc hội khóa mới. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy có 3 đảng dao động quanh mức 5% số phiếu cần thiết để giành được ghế trong quốc hội. Hiện tất cả các đảng chính thống đều khẳng định sẽ không hợp tác với AfD cực hữu.
Với việc nền kinh tế Đức trải qua 2 năm tăng trưởng âm liên tiếp, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang mong manh hơn bao giờ hết, xung đột Nga - Ukraine đang làm đảo lộn trật tự an ninh châu Âu, mọi con mắt đều đổ dồn vào chính phủ tiếp theo ở Berlin.
Kết quả cuộc bầu cử lập pháp, sớm hơn 7 tháng so với dự kiến, sẽ định hình quỹ đạo của đất nước trong 4 năm tới và ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh chính trị của “lục địa già”.