Đức chặn mọi thiết bị của Huawei và ZTE khỏi mạng viễn thông 5G
Các nhà mạng của Đức bao gồm Vodafone, Deutsche Telekom và Telefonica sẽ loại bỏ hoàn toàn các thành phần của Huawei và ZTE vào 2029...
Theo CNN, Đức sẽ dần loại bỏ các linh kiện do hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE ra khỏi mạng không dây 5G trong vòng 5 năm tới. Động thái này có nguy cơ sẽ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng của Đức với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
LOẠT BỎ HOÀN TOÀN HUAWEI VÀ ZTE KHỎI MẠNG VIỄN THÔNG 5G VÀO 2029
Các nhà khai thác mạng di động bao gồm Vodafone, Deutsche Telekom và Telefonica đã đồng ý loại bỏ các thành phần Huawei và ZTE khỏi “mạng lõi” 5G của họ – trung tâm mạng được kết nối với internet và hoạt động như trung tâm điều khiển – vào cuối năm 2026.
Đến cuối năm 2029, các thành phần này cũng phải được loại bỏ khỏi “mạng truyền tải và truy cập”, bao gồm các phần vật lý của mạng 5G như đường truyền và tháp BTS.
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser của Đức cho biết trong một tuyên bố mới đây rằng: “Bằng cách này, chúng tôi đang bảo vệ hệ thống liên lạc thần kinh trung ương của Đức – và chúng tôi đang bảo vệ thông tin liên lạc của người dân, các công ty và nhà nước”.
Chính phủ Đức cho biết họ cần giảm thiểu rủi ro bảo mật và không giống như trước đây, cần tránh sự phụ thuộc một chiều vào các nhà cung cấp.
Trong cùng một tuyên bố, chính phủ Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của “cơ sở hạ tầng viễn thông an toàn và linh hoạt”, trước “những nguy cơ phá hoại và gián điệp. Để tránh các lỗ hổng nghiêm trọng và sự phụ thuộc, do đó, phải dựa vào các nhà sản xuất đáng tin cậy”.
Hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei nói trong một tuyên bố rằng “không có bằng chứng hoặc kịch bản cụ thể nào” cho thấy công nghệ của họ có rủi ro an ninh mạng. Công ty này cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với khách hàng và đối tác một cách mang tính xây dựng và cởi mở, thúc đẩy cải tiến và tiến bộ về an ninh mạng, đồng thời thúc đẩy xây dựng mạng di động và số hóa ở Đức”.
ZTE chưa đưa ra bình luận gì.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức cam kết thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng động thái của Đức “gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin lẫn nhau giữa hai bên và cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và châu Âu trong các lĩnh vực liên quan”.
EU NGÀY CÀNG CẢNH GIÁC VỚI CÔNG NGHỆ CỦA HUAWEI VÀ CÁC NHÀ CUNG CẤP NGOÀI EU
Quyết định này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ của Đức với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tuần trước, Berlin đã ngăn chặn giao dịch bán công ty con của Volkswagen cho một công ty nhà nước Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Vụ việc đã khiến Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích. Trung Quốc cũng đang vướng vào một cuộc tranh chấp thương mại với Liên minh châu Âu, nơi đã tăng thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc vào tháng trước.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “việc biến các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ thành chính trị sẽ chỉ làm gián đoạn các trao đổi công nghệ thông thường”.
Đức đã trì hoãn trong nhiều năm về việc phải làm gì với các thành phần Huawei trong mạng 5G của mình sau khi Hoa Kỳ, Anh, Úc và Nhật Bản cấm công ty này xây dựng mạng 5G của họ trong bối cảnh lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các công ty công nghệ Trung Quốc để do thám công dân của họ.
Các quốc gia EU đang ngày càng cảnh giác khi sử dụng công nghệ của Huawei và các nhà cung cấp ngoài EU khác do có khả năng không tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu của EU. Ủy ban Châu Âu đã xác định Huawei và ZTE là những rủi ro tiềm ẩn và kêu gọi các quốc gia thành viên loại bỏ thiết bị của họ khỏi mạng di động.
Vào mùa hè năm 2020, Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên cấm Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G của mình. Sau đó, Thụy Điển trở thành quốc gia châu Âu thứ hai và là quốc gia đầu tiên trong EU loại trừ Huawei khỏi gần như tất cả các thành phần cần thiết cho mạng 5G của nước này.
Động thái gần đây của Đức phù hợp với mô hình lớn hơn về các biện pháp giám sát và bảo vệ nâng cao trước các mối đe dọa an ninh được nhận thấy từ các công ty công nghệ Trung Quốc. Những lo ngại về hoạt động gián điệp và bảo mật dữ liệu đã khiến nhiều nước phương Tây phải đánh giá lại cơ sở hạ tầng viễn thông và quan hệ đối tác của họ.
Mỹ cũng đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại vào năm 2019, điều này khiến công ty gặp khó khăn hơn trong việc mua chip bán dẫn từ các nhà cung cấp Mỹ. Những hạn chế đó đã được thắt chặt hơn nữa vào đầu năm nay.