Đức: Chênh vênh Chính phủ Đại liên minh
Kết quả bất ngờ trong cuộc bỏ phiếu cơ sở của SPD ngày 30/11 liệu có thể là chỉ dấu về sự sụp đổ của Chính phủ Đại liên minh tại Đức hay không? Báo TG&VN phân tích.
Ông Norbert Walter-Borjans và bà Saskia Esken, hai nhân vật đứng đầu của phe chống Đại liên minh, gần như chắc chắn sẽ là lãnh đạo SPD thời gian tới. (Nguồn: Reuters)
Ngày 30/11, đảng SPD đã tiến hành bỏ phiếu bầu cơ sở trước khi lựa chọn Chủ tịch Đảng, chức vụ đã bị bỏ trống sau sự ra đi của bà Andrea Nahles. Với tỷ lệ tham gia rất thấp (45,33% trên 216.721 đảng viên), SPD đã nghiêng về phe chống Đại liên minh của ông Norbert Walter-Borjans và bà Saskia Esken với tỷ lệ ủng hộ là 53,06%. Ông Olaf Scholz và bà Klara Geywitz chỉ nhận được 45,33% phiếu bầu.
Kết quả này gây sốc không chỉ trong nội bộ SPD nói riêng và dư luận Đức nói chung, bởi nó được đánh giá có thể đe dọa sự tồn tại của Đại liên minh và buộc Thủ tướng Angela Merkel phải tính đến phương án thành lập chính phủ thiểu số - đâu là thực hư xung quanh nhận định này?
“Nội chiến” SPD
Trong nội bộ SPD tồn tại nhiều năm qua hai xu hướng chính trị trái ngược nhau về đường lối và sự tham gia trong Chính phủ Đại liên minh của CDU.
Xu hướng “chủ đạo” trong SPD hiện nay được dẫn dắt bởi các chính trị gia thực tiễn, đã và đang liên minh với bà Merkel nhiều nhiệm kỳ khác nhau. Năm 2018, sau khi bà Merkel thất bại trong việc lập chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh, chính Tổng thống Đức Frank Walter Steinmeier (SPD) đã triệu lãnh đạo CDU/CSU và SPD đến để thuyết phục duy trì Đại liên minh. Đảng dân chủ xã hội Đức khi đó đã đưa ra phương châm sáng suốt: “Trước hết là đất nước, sau đó mới đến đảng” (“Zuerst das Land, dann die Partei”). Vượt qua khó khăn ban đầu, sau gần hai năm hoạt động, Chính phủ Đại liên minh cũng đạt được một số thành công.
Tuy nhiên, khó khăn lại xuất hiện khi bà Merkel từ chức Chủ tịch CDU, ông Söder thay ông Seehofer làm Chủ tịch CSU và Chủ tịch SPD Nahles từ chức tháng hồi tháng Sáu sau sức ép nội bộ. Ngoài ra, trong thời gian rất ngắn, những lãnh đạo đảng theo xu hướng “thực dụng” như nguyên Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel và Martin Schulz cũng rũ áo ra đi. Hiện có ba người điều hành tạm thời cho đến khi có người được bầu. Mới đây, tương tự Đảng Xanh, Cánh tả, SPD quyết định sẽ có hai đồng chủ tịch đảng thay vì một như hiện nay. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tài chính Olaf Scholz, người được coi là chính trị gia lão làng nhất SPD, với lập trường ủng hộ duy trì Đại liên minh, đã liên minh cùng bà Klara Geywitz tranh cử chức Đồng chủ tịch SPD nhiệm kỳ tới.
Xu hướng còn lại là tập hợp thành phần thiên tả, nhấn mạnh yếu tố xã hội (như an sinh xã hội, lương hưu…) và chống lại việc tham gia Đại liên minh thêm một nhiệm kỳ nữa, tin rằng việc làm “tiểu đồng minh” của CDU/CSU khiến SPD thất bại trong bầu cử địa phương và mất cử tri. Khi “phe ủng hộ” Đại liên minh thắng trong cuộc bỏ phiếu tham khảo lúc đó (hơn 60%), “phe chống”, do ông Norbert Walter-Borjans (67 tuổi) và bà Saskia Esken (58), lại có các cuộc vận động để rút ra khỏi Đại liên minh. Khi đó, không sai nếu nhận định rằng chiến thắng của hai nhân vật này trong bỏ phiếu cơ sở vừa qua sẽ đánh dấu sự trỗi dậy của làn sóng phản đối Đại liên minh.
Đối mặt với khả năng Đại liên minh tan rã, liệu Thủ tướng Angela Merkel có chấp nhận điều hành một chính phủ thiểu số để hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ thứ tư của mình? (Nguồn: AP)
Tồn tại hay tan rã?
Ngay sau khi có kết quả, dư luận đã đặt câu hỏi về sự tồn tại của Chính phủ Đại liên minh, thậm chí là khả năng về một cuộc bầu cử sớm hay chính phủ thiểu số của Thủ tướng Angela Merkel.
Tuần tới SPD chính thức bầu Chủ tịch mới, nhưng hầu như chắc chắn cặp đôi Walter-Borjans/Esken sẽ trúng cử. Đầu năm 2020, SPD sẽ phải trả lời câu hỏi “ở lại” hay “rút lui” khỏi Đại liên minh. Đây sẽ là câu hỏi này không hề dễ trả lời đối với ban lãnh đạo mới. Ông Walter-Borjans đã từng là Bộ trưởng tài chính bang Nordrhein-Westfalen, nhưng đã nghỉ hưu và không có nhiều ảnh hưởng cấp độ Liên bang. Bà Esken chỉ là một nghị sỹ Quốc hội liên bang bình thường, không chức vụ và chưa nhiều kinh nghiệm.
Trong khi đó, nhiều bộ trưởng SPD hiện nay và thủ hiến trong ban lãnh đạo cũ đều dạn dầy kinh nghiệm chính trường; chắc chắn họ sẽ bảo vệ Đại liên minh và sự nghiệp chính trị của họ. Ông Hubertus Heil, Bộ trưởng lao động Liên bang, nguyên Tổng thư ký SPD tuyên bố sẽ ứng cử chức Phó Chủ tịch đảng, tiếp tục đấu tranh sau 31 năm gắn bó.
Đáng ngại hơn, bản thân những người thắng trong đợt bỏ phiếu vừa qua cũng không chắc chắn với việc rút SPD khỏi liên minh với CDU/CSU. Họ mới yêu cầu đàm phán lại về một số nội dung trong Thỏa thuận liên minh năm 2018, điều hai đảng ngay lập tức phản đối. Do đó, khả năng Đại liên minh tan vỡ là có, nhưng chưa nhiều.
Tuy nhiên, nếu đầu năm tới, SPD quyết định rút ra khỏi Đại liên minh thì sáu bộ trưởng các Bộ Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Lao động, Gia đình, Môi trường sẽ phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm. Nếu Thủ tướng Merkel không đặt vấn đề lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Liên bang, làm cơ sở cho việc giải tán Quốc hội và bầu cử mới, bà sẽ phải thành lập “chính phủ thiểu số”, bầu bổ sung 6 bộ trưởng mới thuộc đảng CDU/CSU.
Sau cuộc bầu cử tháng 9/2017, bà Merkel nhiều lần tuyên bố không ủng hộ lập chính phủ thiểu số. Nhưng chỉ còn hơn một năm rưỡi nữa là tới bầu cử, bà Merkel cũng không ra ứng cử – do đó, có thể lần này bà sẽ “chịu” điều hành chính phủ thiểu số, kết thúc sự nghiệp chính trị với tư cách Thủ tướng 4 nhiệm kỳ duy nhất của Đức. Vì Quốc hội đã thông qua ngân sách năm 2020, nên Chính phủ này sẽ không gặp khó khăn lớn trong năm tới và có thể hoạt động hết nhiệm kỳ.
Thiệt nhất sẽ là SPD bởi nếu không tham gia chính phủ, đảng này sẽ khó thực hiện cương lĩnh và chẳng thể thuyết phục cử tri trong bầu cử Liên bang tới.
Năm 2020 Đức là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) với thuận lợi lớn khi nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen (CDU) đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Chắc chắn người Đức không muốn vấn đề nội bộ ảnh hưởng đến Chủ tịch EU, cũng như vai trò và trách nhiệm của mình với Châu Âu và thế giới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-chenh-venh-chinh-phu-dai-lien-minh-105456.html