Tạp chí Spiegel, cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về đợt viện trợ quân sự bổ sung này, cho biết 7 hệ thống Gepard cho Ukraine.
Sau quyết định của Berlin, các hệ thống phòng không này đang được tập đoàn sản xuất vũ khí Krauss-Maffei Wegmann (KMW) tại thành phố Munich sửa chữa để đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu và sẽ được chuyển đến lực lượng quân đội Ukraine vào mùa xuân năm 2023.
Chính phủ Đức không cho biết lịch trình chuyển giao các hệ thống phòng không trên, vốn được lấy từ kho hàng của KMW.
Đối với các hệ thống Gepard được chính phủ Đức chuyển giao cho Ukraine trước đó, tốc độ chuyển giao phụ thuộc vào việc tìm kiếm được phụ tùng cần thiết để sửa chữa và vận hành các hệ thống này.
Theo Spiegel, bên cạnh việc cung cấp thêm 7 pháo tự hành phòng không Gepard, chính phủ Đức cũng gửi thêm đạn dược cho các hệ thống đã có sẵn trong biên chế quân đội Ukraine.
Trước đó, việc cung cấp đạn dược cho các hệ thống Gepard được chuyển cho Ukraine là một vấn đề lớn với Đức khi Thụy Sĩ - quốc gia sản xuất loại đạn này - từ chối cung cấp vũ khí do trạng thái trung lập của quốc gia này.
Gepard là hệ thống pháo phòng không tự hành do Tây Đức phát triển và được trang bị từ năm 1973. Hiện nay chúng vẫn là loại pháo phòng không tự hành phổ biến của khối NATO.
Loại vũ khí này có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với máy bay chiến đấu của Không quân Nga.
Gepard có tất cả 2 loại radar - một radar cảnh giới bố trí ở phía sau tháp pháo và radar theo dõi mục tiêu nằm phía trước, bên cạnh đó còn có một máy đo xa laser đặt giữa hai nòng pháo, đi kèm cụm ống phóng đạn khói ngụy trang.
Gepard có trọng lượng chiến đấu 47,5 tấn, chiều dài 7,7 m, chiều cao 3,29 m.
Xe được trang bị động cơ diesel công suất 830 mã lực, cho tốc độ tối đa 65 km/h, phạm vi hoạt động 550 km với kíp chiến đấu 3 người.
Mỗi hệ thống Gepard có thể tự tạo hỏa lực tại chỗ, di chuyển và bắn trúng mục tiêu trên không bay với tốc độ lên đến 400 m/s.
Độ cao tác xạ của pháo đạt 3.000 m và tầm xa đến 5.500 m. Tốc độ bắn đạt 550 phát/phút mỗi nòng.
Hai khẩu pháo 35 mm của Gepard cho thời gian bắn liên tục 37 giây trước khi hết đạn (với 680 viên đạn cho cả hai nòng). Sơ tốc đầu nòng của đạn đạt con số 1.440 m/s.
Ngoài phòng không, Gepard còn có thể đánh bại các mục tiêu mặt đất, kể cả xe bọc thép nhẹ ở khoảng cách lên đến 4,5 km thông qua đạn xuyên thép.
Hiện tại gói nâng cấp Gepard 1A2 được cho là có khả năng bắn đạn lắp ngòi điện tử định tầm nổ để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu, cùng với đó và việc tích hợp tên lửa phòng không FIM-92 Stinger trên tháp pháo.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia, cho tới nay, Gepard do Đức phát triển vẫn luôn giữ vững vị trí nằm trong top đầu thế giới.
Việt Hùng