Đức Cơ, Gia Lai: Phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cơ sở
150 thành viên là cán bộ xã, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong địa bàn huyện Đức Cơ đã hoàn thành khóa tập huấn Chương trình 3, Dự án 8 về 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'.
Tập huấn Chương trình 3, Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" cho đội ngũ cán bộ xã, thôn làng, người có uyu tín tại cộng đồng huyện Đức Cơ
Hội LHPN huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) vừa hoàn thành lớp tập huấn 2 ngày triển khai Chương trình 3, Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Thành phần tham dự tập huấn gồm 150 thành viên là cán bộ xã, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong địa bàn huyện Đức Cơ.
Các thành viên tham dự lớp tập huấn đã được cung cấp nội dung cơ bản về: Khái niệm cơ bản về giới; Hiểu rõ vì sao cần quan tâm đến bình đẳng giới; Biết cách nhận biết vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng DTTS; Nắm rõ một số giải pháp lồng ghép giới; Cải thiện kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới; Giải pháp thu hút sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực gia đình.
Bà H' Rin, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ cho biết, cán bộ xã, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng là đội ngũ cán bộ cơ sở sâu sát, gần dân, có tiếng nói đối với cộng đồng. Việc nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới sẽ giúp đội ngũ cán bộ xã, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thái độ thực hiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết trong phát triển năng lực lồng ghép giới tại địa phương.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn I được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, việc nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị là một nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình.