Đức có thể chấm dứt các quy định chống dịch vào tháng 3/2022

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Halle, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tất cả những quy định áp đặt để chống dịch bệnh COVID-19 tại Đức như bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế vào quán bar hay nhà hàng cũng như xét nghiệm COVID-19 trong các trường học… đều có thể được bãi bỏ vào mùa xuân tới.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau ngày họp đầu tiên của tiến trình đàm phán thành lập chính phủ ngày 27/10, trong đó ưu tiên thảo luận vấn đề dịch bệnh, lãnh đạo 3 đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và Dân chủ Tự do (FDP) đã bác bỏ việc tái áp đặt các biện pháp cách ly phong tỏa trong mùa Thu và mùa Đông tới, đồng thời cho biết họ cũng không có kế hoạch buộc người dân phải quay trở lại với chế độ làm việc tại nhà.

Phó chủ tịch nhóm nghị sĩ SPD Dirk Wiese khẳng định: “Việc đóng cửa trường học, phong tỏa và áp đặt giới nghiêm sẽ không còn xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào vì nó không phù hợp với tình hình hiện tại”.

Theo kế hoạch được các bên tiết lộ, nếu các cuộc đàm phán của liên minh “đèn giao thông” (Đỏ - Xanh - vàng) thành công, thay vì tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp, chính phủ tương lai sẽ ban hành luật để cho phép chính quyền các bang tự ban hành các quy định chống dịch cho đến mùa xuân năm sau.

Hiện 3 chính đảng đã đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa đông này. Ngoài quy định 2G hoặc 3G (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vắc xin hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2), chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng.

Ngoài ra, để tăng tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cũng như đạt được tiến bộ với cái gọi là tiêm mũi “tăng cường”, các chính đảng tham gia đàm phán thành lập chính phủ cũng đã lên kế hoạch thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia theo dõi về tình hình tiêm chủng. Sau khi đi vào hoạt động, chính phủ mới của Đức sẽ làm việc với các thành viên để tìm cách đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng trên toàn quốc, đảm bảo sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Tại Singapore, ngày 27/10, số ca mắc COVID-19 mới là 5.324 ca và có 10 người chết vì biến chứng. Đây là lần đầu tiên Singapore ghi nhận ca mắc hàng ngày cao bất thường, vượt mốc 5.000 ca. Theo tờ SCMP, Bộ Y tế Singapore cho biết số ca mắc mới cao bất thường chủ yếu là các ca dương tính với COVID-19 được phát hiện tại các phòng xét nghiệm trong vài giờ chiều 27/10.

Bộ Y tế đang xem xét đợt bùng dịch bất thường này vì số ca mắc được ghi nhận chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn và sẽ giám sát chặt chẽ xu hướng trong vài ngày tới. Có 76 bệnh nhân không ổn định và được theo dõi sát trong phòng chăm sóc đặc biệt, giảm so với 79 trường hợp ngày trước đó. Ngoài ra, còn 66 bệnh nhân nặng và phải dùng máy thở. Số bệnh nhân cần hỗ trợ ôxy tăng từ 289 ngày 26/10 lên 308 ngày 27/10.

Trong số các ca mắc mới ghi nhận ngày 27/10, có 4.651 ca ở trong cộng đồng, 661 ca là người sống trong khu nhà ở của người lao động nhập cư và 12 ca nhập khẩu. Tỉ lệ ca mắc trong cộng đồng trong tuần qua so với tuần trước là 1,15, tăng so với tỉ lệ 1,11 ngày 26/10.

Singapore ghi nhận tổng cộng 349 người tử vong trong số 184.419 người mắc COVID-19 từ đầu đại dịch. Trước đó, từ ngày 20/10, giới chức Singapore đã cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế của nước này rơi vào tình trạng quá tải do số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng. Đáng chú ý, Singapore là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã tiêm chủng.

Phát biểu trước khi nhà chức trách Singapore công bố số ca mắc mới COVID-19 và tử vong, ông Lawrence Wong, đồng điều phối chương trình phòng, chống COVID-19 quốc gia, cho biết gần 90% các giường bệnh cách ly trong hệ thống bệnh viện tại nước này và hơn 70% số giường trong khoa chăm sóc tích cực đã được sử dụng. Quan chức này cho rằng vấn đề hiện nay không chỉ đơn giản là bổ sung giường bệnh hay mua thêm trang thiết bị mà là nhân viên y tế đang quá tải và dần kiệt sức

Các ca nhiễm mới đã gia tăng trong thời gian gần đây tại Singapore sau khi chính phủ nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore không thể kéo dài biện pháp đóng cửa và nước này cần chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" với các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới sang biện pháp tiến cận "sống chung an toàn với COVID-19".

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/266748/duc-co-the-cham-dut-cac-quy-dinh-chong-dich-vao-thang-3-2022.html