Đức có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để viện trợ Ukraine
Đó là cảnh báo Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra trước Quốc hội nước này sau khi thỏa thuận về chi tiêu ngân sách 2024 được thông qua.
Theo đài RT, mới đây, chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đạt được thỏa thuận chi tiêu ngân sách năm 2024 sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng.
Theo đó, nội các Đức đã đồng ý duy trì ngưỡng nợ hiện tại, đồng thời cắt giảm chi tiêu 17 tỷ USD ở nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm 12 tỷ USD trợ cấp chống biến đổi khí hậu.
Viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine vẫn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu, bên cạnh việc xanh hóa nền kinh tế và tăng cường gắn kết xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cảnh báo nước này có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong nước để tăng cường hỗ trợ cho Kiev trong năm tới nếu tình hình tại Ukraine chuyển biến xấu.
Phát biểu trước toàn Quốc hội (Bundestag) ngày 13/12, ông Olaf Scholz nhấn mạnh: “Tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ bền vững và đáng tin cậy cho Ukraine vì đó là vấn đề an ninh của toàn châu Âu".
Theo đó, chính phủ Đức có kế hoạch chi gần 9 tỷ USD mua sắm vũ khí cho Kiev vào năm tới, cùng 6,5 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho ngân sách và người tị nạn Ukraine.
Thủ tướng Đức thừa nhận sự ủng hộ quốc tế dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đang ngày càng giảm, buộc Berline phải chi mạnh tay hơn để hỗ trợ Kiev.
“Rõ ràng, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn vì những quốc gia khác rút viện trợ thì chúng ta phải có phản ứng”, ông Scholz giải thích và cho rằng điều này đòi hỏi chính phủ kích hoạt một điều khoản khẩn cấp đặc biệt.
Theo Thủ tướng Đức, chính phủ đã đề xuất một giải pháp ngoại lệ về quy định hạn chế nợ công hay còn gọi là “phanh nợ” trong trường hợp có diễn biến như trên.
Quy định tài chính gọi là “phanh nợ” ở Đức đã được ban hành năm 2009 để hạn chế thâm hụt ngân sách quốc gia ở mức 0,35% GDP và giới hạn phát hành trái phiếu chính phủ mới. Trong quy định này có một điều khoản cho phép chính phủ bỏ qua các hạn chế trên trong trường hợp “khẩn cấp không lường trước".
Hồi tháng 11, nội các ông Olaf Scholz đã phải đối mặt với “khủng hoảng không nợ” khi tòa án hiến pháp Đức phán quyết ngân sách năm 2024 là bất hợp pháp do vi phạm quy tắc phanh nợ và cấm chính phủ tái sử dụng các quỹ Covid-19.
Bên cạnh đó, kế hoạch của Thủ tướng Scholz đã bị phe đối lập chỉ trích là “thủ đoạn đánh lừa tài chính”, cáo buộc ông lạm dụng các lỗ hổng pháp lý để thúc đẩy viện trợ cho Kiev.
Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cho rằng tình hình ở Ukraine ngày càng trở nên căng thẳng.
“Trong hoàn cảnh hiện tại, Ukraine không có chút cơ hội nào để chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông Merz nói với Thủ tướng Scholz.
Một nghị sĩ nổi tiếng khác và cựu Bộ trưởng giao thông và cơ sở hạ tầng, Alexander Dorbrindt, cáo buộc ông Scholz sẵn sàng đẩy ngân sách Đức vào tình trạng hỗn loạn để hỗ trợ Kiev. Ông nói rằng chính phủ Đức “sẽ không bao giờ nhận được sự đồng ý của chúng tôi” để bỏ qua quy tắc phanh nợ.