Đức công bố chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Trong tuần qua, chính phủ Đức công bố chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở các lĩnh vực quan trọng bao gồm công nghệ y tế, pin lithium-ion và các vật liệu thiết yếu để sản xuất chip. Chiến lược nhấn mạnh Berlin chỉ tìm cách 'giảm rủi ro', chứ không muốn tách rời kinh tế khỏi Bắc Kinh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) đón tiếp người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường tại Berlin hồi tháng 6. Hôm 13-7, Đức công bố tài liệu “Chiến lược về Trung Quốc”, nhấn mạnh sự cần thiết giảm rủi ro phụ thuộc vào Bắc Kinh ở một số lĩnh vực quan trọng. Ảnh: Wion

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) đón tiếp người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường tại Berlin hồi tháng 6. Hôm 13-7, Đức công bố tài liệu “Chiến lược về Trung Quốc”, nhấn mạnh sự cần thiết giảm rủi ro phụ thuộc vào Bắc Kinh ở một số lĩnh vực quan trọng. Ảnh: Wion

Hôm 13-7, Bộ Ngoại giao Đức công bố “Chiến lược về Trung Quốc”, một tài liệu dài 64 trang nêu bật sự cân bằng khó khăn mà Berlin phải thực hiện để quản lý sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tài liệu cho biết Đức cam kết bảo đảm hợp tác với Trung Quốc trở nên công bằng, bền vững hơn và có qua có lại. Tuy nhiên, chính phủ Đức lưu ý, trong lúc sự phụ thuộc của Trung Quốc vào châu Âu ngày càng giảm, thị tình trạng phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây.

Tài liệu ghi nhận Đức phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về công nghệ y tế và dược phẩm, bao gồm cả thuốc kháng sinh, công nghệ thông tin và các sản phẩm cần thiết để sản xuất chất chip bán dẫn, cũng như các loại kim loại và đất hiếm cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

“Trong các lĩnh vực quan trọng, EU không nên phụ thuộc vào công nghệ từ các nước bên ngoài, không chia sẻ các giá trị cơ bản của chúng ta”, tài liệu nêu rõ.

“Trung Quốc đã thay đổi. Do sự thay đổi này và các quyết định chính trị của Trung Quốc, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận đối với Trung Quốc”, tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức cho biết.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng đối với Đức, Trung Quốc vẫn là đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống, nhưng khía cạnh cạnh tranh mang tính hệ thống nổi bật hơn trong những năm gần đây.

“Bất cứ ai theo dõi Trung Quốc đều nhận thấy rằng mức độ tự tin của Trung Quốc, thể hiện thông qua chính sách kiểm soát chặt chẽ trong nước và quyết liệt hơn ở nước ngoài, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thế giới chúng ta. Trung Quốc đã thay đổi và vì vậy chính sách Trung Quốc của chúng tôi cũng phải thay đổi”, bà Annalena Baerbock nói.

Đối với Berlin, Trung Quốc là đối tác quan trọng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, các đại dịch và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tài liệu cho biết Bắc Kinh đang “theo đuổi lợi ích của mình một cách quyết đoán hơn nhiều và đang cố gắng định hình lại trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc hiện có theo nhiều cách khác nhau”, có thể dẫn đến những hậu quả đối với an ninh toàn cầu.

Tài liệu nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu muốn duy trì quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Đồng thời, Berlin cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở các lĩnh vực quan trọng bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, một mục tiêu được Bộ Ngoai giao Đức gọi là “giảm rủi ro”.

“Chúng tôi không có ý định cản trở sự tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đồng thời, việc loại bỏ rủi ro là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi không theo đuổi nỗ lực tách rời nền kinh tế giữa hai bên”, tài liệu cho biết.

Viết trên Twitter, Thủ tướng Đức Olaf Scholz giải thích: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là tách rời khỏi Bắc Kinh. Nhưng chúng tôi muốn giảm sự phụ vào vào các lĩnh vực quan trong tương lai”.

Chiến lược về Trung Quốc của Đức khẳng định Berlin sẽ điều chỉnh danh sách những sản phẩm chịu kiểm soát xuất khẩu trong bối cảnh các công nghệ mới đang phát triển, bao gồm công nghệ giám sát và an ninh mạng.

Chính phủ Đức cũng sẽ ban hành các quy định để bảo đảm những dự án nghiên cứu và phát triển với Trung Quốc “có khả năng gây chảy máu chất xám” không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các quỹ liên bang hoặc chỉ nhận được sự hỗ trợ đó trong một số điều kiện nhất định.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 300 tỉ euro (335 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2022.

Trung Quốc là thị trường quan trọng đối một số công ty lớn của Đức, bao gồm hai hãng xe Volkswagen và BMW. Chính phủ Đức cho biết sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các công ty “đặc biệt tiếp xúc nhiều với Trung Quốc” nhằm xác định mức độ rủi ro tập trung.

Phòng Thương mại Đức ở Trung Quốc hoan nghênh chiến lược trên nhưng cũng bày tỏ một số lo ngại.

“Nhiều công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc đã thực hiện các bước để tự giảm thiểu rủi ro và coi chiến lược này là sự xác nhận hướng đi của họ. Điều tích cực là chính phủ đã hạn chế tạo thêm gánh nặng hành chính cho các công ty như yêu cầu báo cáo, kiểm tra căng thẳng hoặc các biện pháp sàng lọc đầu tư ra nước ngoài”, Jens Hildebrandt, giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại Đức ở miền bắc Trung Quốc, nói với CNN hôm 14-7.

Tuy nhiên, ông lưu ý, một số công ty Đức đã hy vọng chiến lược mới sẽ cung cấp nhiều khuôn khổ hợp tác hơn là chỉ tập trung vào việc rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc

Hildebrandt cũng cho rằng văn kiện “Chiến lược về Trung Quốc” chưa toàn diện, vì không đề cập đến cách Đức có thể tham gia vào tăng trưởng kinh tế và năng lực đổi mới của Trung Quốc để củng cố nền kinh tế mà không trở nên quá phụ thuộc vào nước này.

Hôm 14-7, Trung Quốc đã trích lời kêu gọi của chính phủ Đức về việc giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc và giảm các yếu tố bất ổn tiềm ẩn khác trong quan hệ song phương, gọi đó là một hình thức của chủ nghĩa bảo hộ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân nói rằng chiến lược Đức về quan hệ với Trung Quốc đề cập đến “sự cạnh tranh mang tính hệ thống” đi ngược lại lại xu thế của thời đại và sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trên thế giới.

Trong một diễn biến khác, hôm 13-7, Tập đoàn Siemens của Đức công bố đầu tư 1 tỉ đô la để xây dựng các nhà máy và cơ sở mới ở Đức. Trong đó, 500 triệu euro dành cho dự án mở rộng và hiện đại hóa một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị điều khiển máy công cụ. Siemens giải thích khoản đầu tư này nhằm củng cố sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư toàn cầu trị giá 2 tỉ euro của Siemens, bao gồm các khoản đầu tư tăng thêm ở châu Âu và Mỹ.

Roland Busch, CEO của Siemens, khẳng định tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là thị trường tăng trưởng nhanh và lớn nhất đối với nhiều công ty. Nhưng ông cho rằng Bắc Kinh cần tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả các đấu thủ.

Tháng trước, ông cho biết Siemens muốn giảm sự phụ thuộc vào “một số nước nhất định”, nhưng không nêu tên Trung Quốc.

Theo CNN, AP, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/duc-cong-bo-chien-luoc-giam-phu-thuoc-vao-trung-quoc/