Đức đã bỏ phiếu: Bước tiếp theo là gì?

Cuộc bầu cử liên bang tại Đức đã kết thúc, mang đến nhiều thay đổi đáng chú ý trong chính trường nước này.

Liên minh mới sẽ hình thành như thế nào?

Liên minh bảo thủ CDU/CSU do ông Friedrich Merz lãnh đạo giành chiến thắng với 28,6% số phiếu bầu, đưa họ trở thành lực lượng mạnh nhất trong Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức).

Đảng cực hữu AfD, chiếm 20,8% số phiếu và vươn lên vị trí thứ hai. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz chịu thất bại nặng nề khi chỉ đạt 16,4% phiếu bầu. Đảng Xanh, từng là một phần quan trọng trong chính phủ liên minh, chỉ đạt 14,2%.

 Liên minh bảo thủ CDU/CSU do ông Friedrich Merz lãnh đạo đã giành chiến thắng với 28,6% số phiếu bầu. Ảnh: X/_FriedrichMerz

Liên minh bảo thủ CDU/CSU do ông Friedrich Merz lãnh đạo đã giành chiến thắng với 28,6% số phiếu bầu. Ảnh: X/_FriedrichMerz

Không đảng nào giành được đa số tuyệt đối (50% số ghế trong Quốc hội), vì vậy CDU/CSU sẽ phải đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền. Có hai kịch bản chính đang được cân nhắc:

Liên minh lớn giữa CDU/CSU và SPD: Đây là mô hình đã từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử chính trị Đức, nhưng lần này có thể gặp khó khăn do sự suy yếu của SPD. Dù vậy, đây vẫn là lựa chọn có tính ổn định cao nhất.

Liên minh bảo thủ - Xanh: CDU/CSU có thể bắt tay với Đảng Xanh, nhưng hai bên có nhiều khác biệt về chính sách, đặc biệt là trong vấn đề năng lượng và môi trường. Một số nhà phân tích nhận định, để đảm bảo đa số, họ có thể cần thêm một đối tác thứ ba như Đảng Cánh tả hoặc một nhóm độc lập nào đó trong Quốc hội.

AfD, dù giành được số phiếu cao thứ hai, gần như chắc chắn sẽ bị các đảng truyền thống cô lập và không thể tham gia liên minh cầm quyền.

Ông Friedrich Merz có chắc chắn trở thành Thủ tướng?

Theo quy trình bầu chọn Thủ tướng của Đức, ứng cử viên được đề cử cần có đa số phiếu trong Bundestag để chính thức nhậm chức. Với tư cách là lãnh đạo đảng giành nhiều phiếu nhất, ông Friedrich Merz là ứng cử viên hàng đầu, nhưng vẫn phải vượt qua quá trình đàm phán và bỏ phiếu trong Quốc hội.

Nếu ông không đạt đủ số phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, Bundestag sẽ tiếp tục tổ chức các vòng bỏ phiếu sau đó. Nếu không có ai đạt đa số tuyệt đối sau ba vòng, người có số phiếu cao nhất trong vòng ba sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, kịch bản này hiếm khi xảy ra trong lịch sử chính trị Đức.

Khi nào Chính phủ mới có thể nhậm chức?

Theo hiến pháp Đức, Bundestag mới phải tổ chức phiên họp đầu tiên chậm nhất vào ngày 25/3/2025. Tuy nhiên, quá trình đàm phán liên minh thường kéo dài, đôi khi mất vài tháng.

Ông Merz tuyên bố muốn thành lập Chính phủ trước Lễ Phục sinh (20/4), nhưng điều này phụ thuộc vào tốc độ đàm phán với các đối tác liên minh. Trong thời gian đó, Chính phủ của ông Scholz vẫn sẽ tiếp tục điều hành đất nước dưới hình thức tạm quyền cho đến khi Chính phủ mới được chính thức phê duyệt.

Nếu đàm phán kéo dài hoặc gặp bế tắc, Đức có thể rơi vào tình trạng không có Chính phủ ổn định trong thời gian dài, điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và các quyết sách quan trọng ở châu Âu.

Hoài Phương (theo DW, AJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duc-da-bo-phieu-buoc-tiep-theo-la-gi-post335994.html