Thổ Nhĩ Kỳ còn cơ hội nào tham gia đàm phán hòa bình Ukraine?

Mặc dù Ankara không được mời tham dự cuộc thảo luận cấp cao đầu tiên Mỹ-Nga về Ukraine tại Ả Rập Saudi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn mong muốn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới.

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ “bị bỏ rơi”

Cũng giống trường hợp của Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ gạt khỏi cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên với Nga về vấn đề Ukraine vào tuần trước. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kỳ vọng nước này có thể giữ vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán sắp tới về hòa bình Ukraine.

Trước đó, hôm 18/2, Moscow và Washington đã tổ chức cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên ở Ả Rập Saudi về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm ở Ukraine, với mục tiêu khôi phục quan hệ và chuẩn bị kết thúc cuộc xung đột này.

Chuyên gia chính trị Helin Sari Ertem tại Đại học Medeniyet ở Istanbul cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã mong muốn làm trung gian trong việc hòa giải cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng theo chuyên gia Ertem, những nỗ lực này của Ankara dường như đang gặp nhiều trở ngại.

"Thổ Nhĩ Kỳ - giống như các quốc gia EU - đã cảm thấy bị bỏ rơi kể từ hội nghị cấp cao Mỹ-Nga ở Ả Rập Saudi" - bà Ertem cho hay và nói thêm rằng nếu Washington muốn Ankara tham gia các cuộc thảo luận về hòa bình Ukraine trong tương lai, thì họ sẽ sẵn sàng đảm nhận vai trò đó.

Kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào việc thiết lập "hành lang ngũ cốc" ở Biển Đen, hỗ trợ cho việc xuất khẩu thực phẩm chính của Kiev.

Theo cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO Fatih Ceylan, Ankara cũng đã tham gia vào các nỗ lực hòa giải ở Antalya và Istanbul ngay trong những tháng đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, việc Mỹ gạt EU khỏi đàm phán với Nga về Ukraine khiến tất cả các đồng minh châu Âu của Kiev rơi vào tình thế khó khăn, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ Ceylan nhấn mạnh rằng sự rạn nứt hiện nay giữa Mỹ và châu Âu về các vấn đề an ninh, kinh tế và thương mại cũng có thể tác động tiêu cực đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara sẽ tham gia bảo đảm an ninh cho Kiev trong tương lai?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây tái khẳng định ủng hộ hoàn toàn của Ankara đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, đồng thời cho biết nước này sẵn sàng làm trung gian cho vòng đàm phán tiếp theo giữa Kiev, Moscow và Washington.

Trong cuộc họp báo chung tại Ankara hôm 18/2, cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Erdogan đều lên tiếng phản đổi việc gạt Ukraine, EU và Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ và Nga tại Riyadh. Hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine nhấn mạnh rằng không có quyết định nào về giải quyết chiến tranh có thể được đưa ra nếu không có sự tham gia trực tiếp của Kiev.

Tổng thống Zelensky khẳng định, cả Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đều phải tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận hòa bình nào với Nga.

Đồng thời, ông Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine sau khi cuộc xung đột kết thúc. Phát biểu với báo giới trước khi rời Ankara, Tổng thống Ukraine cũng đã lặp lại yêu cầu này.

"Nếu không phải là NATO, ai sẽ có thể đảm bảo an ninh cho chúng tôi?" - ông Zelensky đặt câu hỏi. "Chúng tôi cũng đã trao đổi với Tổng thống Erdogan về các bảo đảm an ninh có thể có từ các quốc gia có tiềm năng quân sự, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ".

Tuy nhiên, cựu Đại sứ Ceylan cho rằng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp liên quan đến việc bảo đảm an ninh cho Ukraine trong tương lai.

"Nếu chỉ tuyên bố rằng “tôi sẽ gửi quân đội!' là không đủ! Điều này phải được xác định thông qua các cuộc đàm phán đa phương, trong đó có châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc" – ông Ceylan cho hay. "Nói cách khác, các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga phải được chuyển sang một khuôn khổ đa phương trước".

Trong kịch bản như vậy, cựu Đại sứ Ceylan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đóng một vai trò quan trọng.

Theo chuyên gia Ertem tại Đại học Medeniyet, Thổ Nhĩ Kỳ, giống như các quốc gia châu Âu khác, có thể bị "ép buộc" tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình quân sự ở miền Đông Ukraine và có thể sẵn sàng tham gia hơn nhiều quốc gia EU khác.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tho-nhi-ky-con-co-hoi-nao-tham-gia-dam-phan-hoa-binh-ukraine.html