Đức điều chiến hạm đến Biển Đông, Mỹ, Trung Quốc lên tiếng
Mỹ hoan nghênh, Trung Quốc lên tiếng trước kế hoạch Đức sẽ điều một tàu khu trục nhỏ đến châu Á vào tháng 8 và di chuyển qua Biển Đông trong hành trình trở về.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên ở Berlin hôm 3-3 cho biết Đức sẽ điều một tàu khu trục nhỏ đến châu Á vào tháng 8 và di chuyển qua Biển Đông trong hành trình trở về.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết con tàu sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Đức có hoạt động như vậy kể từ năm 2002.
Mỹ hoan nghênh, Trung Quốc lên tiếng
Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc ngày 3-3 kêu gọi Đức không xâm phạm chủ quyền của các bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đáp lại việc Berlin có kế hoạch điều một tàu khu trục đến khu vực vào tháng 8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 3-3 cho biết tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng “điều này không nên được sử dụng làm cái cớ gây nguy hại đến chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”.
Cùng ngày, Mỹ hôm 3-3 đã hoan nghênh kế hoạch Đức điều chiến hạm qua Biển Đông, gọi nó là sự ủng hộ đối với một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trong khu vực, điều mà Washington cho rằng đang bị Trung Quốc đe dọa.
"Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và các hoạt động sử dụng vùng biển hợp pháp khác" - một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải rộng mở” - phát ngôn viên nói thêm.
Đằng sau động thái của Đức
Các chuyên gia cho biết việc triển khai sẽ là một bước quan trọng trong việc Đức thực hiện định hướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được chính phủ Đức phê chuẩn năm 2020 nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật và thúc đẩy các thị trường mở trong khu vực.
Ông Sun Keqin - nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác quốc tế của Trung Quốc - cho biết động thái này cho thấy Đức, vốn thường thận trọng trong việc sử dụng sức mạnh quân sự, hiện muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Trung Quốc không mong muốn sự hiện diện sức mạnh quân sự phương Tây trong khu vực. Nhưng Đức muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác với ASEAN, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ. Điều đó cũng cho thấy Mỹ hy vọng Đức sẽ có trách nhiệm hơn nhằm gây sức ép với Trung Quốc” - ông Sun nhận định.
Ông Guo Xuetang - giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Thượng Hải - cho biết việc triển khai phản ánh sự độc lập trong chiến lược ngoại giao và quân sự của Đức, thay vì nỗ lực chung với Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc.
Việc Berlin quyết định không triển khai chiến hạm vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy Đức không muốn làm mất lòng Bắc Kinh.
“Đức cố tình làm giảm nguy cơ của một cuộc đối đầu với Trung Quốc, điều này phù hợp với chính sách không ủng hộ đối đầu của Thủ tướng Angela Merkel” – ông Guo nói thêm.
Theo bà Helena Legarda - nhà nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), việc tàu chiến Đức di chuyển qua Biển Đông chủ yếu là một “động thái mang tính biểu tượng”, song sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Đức đang có lập trường hơn và đã sẵn sàng đối đầu tích cực hơn với các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.
Đức là quốc gia thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Pháp, đưa ra tầm nhìn chính thức về Biển Đông khi hồi tháng 9-2020 đã đưa ra định hướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mục tiêu nâng cao vai trò của mình như một “tác nhân và đối tác sáng tạo” trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hồi năm 2020 cho biết sự hiện diện của hải quân Đức sẽ giúp “bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
“Trước những thách thức an ninh đang gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mục tiêu của tôi là tăng cường hợp tác song phương và đa phương” – bà Kramp-Karrenbauer nói.
Trung Quốc đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Washington và các đồng minh châu Âu trong vùng biển tranh chấp, với các cuộc triển khai thường xuyên của không quân và hải quân Mỹ tới Biển Đông cũng như tàu ngầm hạt nhân Emeraude và một tàu hộ tống của Pháp tuần tra tại khu vực hồi tháng 2.