Đức 'đổ thêm dầu vào lửa' khi cân nhắc viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine?
Việc Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz cân nhắc viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine không chỉ mang ý nghĩa quân sự mà còn là bước ngoặt chiến lược, phản ánh sự thay đổi trong tư duy quốc phòng và tham vọng dẫn dắt châu Âu trong bối cảnh địa chính trị bất ổn. Tuy nhiên, Nga có thể không hài lòng với động thái này của Berlin.
Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz mới đây cho biết chính phủ của ông sẵn sàng viện trợ tên lửa hành trình tầm xa KEPD 350 Taurus cho Ukraine. Động thái này đánh dấu một bước ngoặt rõ rệt trong chính sách an ninh của Đức, vốn trước đó vẫn duy trì lập trường thận trọng nhằm tránh nguy cơ leo thang xung đột với Nga.
Thông báo được đưa ra khi cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ 3, trong bối cảnh Kiev đang đối mặt với áp lực quân sự ngày càng lớn trên chiến trường và nguồn viện trợ từ phương Tây đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu quyết định này của ông Merz có kịp xoay chuyển thế hiểm của Ukraine hiện nay hay không?

Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz. Ảnh: Reuters
Taurus chưa đủ sức tạo ra bước ngoặt
Hiện vẫn chưa rõ sức mạnh thực sự của tên lửa Taurus đến đâu khi đặt lên bàn cân so sánh với các loại tên lửa khác mà Ukraine đang sở hữu. Tuy nhiên, Theo các chuyên gia của tổ chức tình báo quốc phòng Janes, Taurus có "kích thước tương tự và thuộc cùng loại vũ khí" với hệ thống phòng Storm Shadows do Mỹ và Anh sản xuất
“Trên lý thuyết, tên lửa hành trình KEPD 350 Taurus dường như có tầm bắn xa hơn các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp đang được quân đội Ukraine sử dụng, đồng thời vẫn đảm bảo độ chính xác cao và sức công phá mạnh, thích hợp để tấn công các mục tiêu chiến lược sâu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát”, nhóm chuyên gia này cho biết.
Bên cạnh đó, nếu Taurus có thể bay xa hơn tên lửa tầm xa hiện tại của Ukraine, Ukraine có thể vượt qua hàng phòng thủ vững chắc của hệ thống phòng không Nga và tấn công nhiều mục tiêu hơn trong lãnh thổ do Nga kiểm soát, với điều kiện Đức không áp đặt bất kỳ hạn chế nào về mục tiêu hoặc phạm vi thực hiện các cuộc không kích.
Ukraine có được số lượng lớn tên lửa, nhưng kho dự trữ tên lửa Storm Shadow của Anh và ATACM của Mỹ lại "có hạn", do đó việc bổ sung thêm tên lửa tầm xa vào kho vũ khí của nước này sẽ giúp tăng cường hỏa lực cho Ukraine. So với Storm Shadow do Anh cung cấp, Taurus có đầu đạn lớn hơn và hệ thống dẫn đường chính xác hơn, được xem là có khả năng phá hủy hiệu quả hơn các cơ sở kiên cố như sở chỉ huy quân sự hoặc kho đạn ngầm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng lợi thế này không đủ để tạo ra một "bước ngoặt mang tính quyết định" trên chiến trường.
Tiến sĩ Sidharth Kaushal, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng RUSI của Anh, nhận định: “Taurus sẽ rất hữu ích, nhưng không phải là nhân tố quyết định. Ukraine đã có những loại vũ khí tương đương như Storm Shadow và ATACMS, vấn đề lớn nhất là số lượng và tính liên tục của viện trợ.”
Chuyên gia này bổ sung thêm: “Trong bối cảnh Nga đang duy trì áp lực liên tục trên mặt trận rộng, những cú đánh vào các mục tiêu chiến lược tuy cần thiết nhưng không thể xoay chuyển toàn cục nếu không có sức chiến đấu bền vững và dòng chảy viện trợ liên tục”.
Một trong những chỉ trích phổ biến đối với các khoản viện trợ phương Tây dành cho Ukraine là chúng thường đến muộn và không đủ lớn thể thay đổi cục diện chiến sự. Tuy nhiên, theo ông James Nixey, Giám đốc chương trình Nga và Âu Á tại Chatham House, việc Đức cân nhắc gửi Taurus vào lúc này vẫn có thể mang lại tác động tích cực.
“Cuộc chiến chưa kết thúc. Ukraine vẫn có khả năng kháng cự và vẫn cần viện trợ. Vậy nên, không thể nói đây là quá ít hay quá muộn. Nhưng rõ ràng, sẽ tốt hơn nếu các quyết định như thế này được đưa ra sớm hơn”, ông Nixey nhận định.

Hệ thống phòng không Taurus của Đức. Ảnh: Reuters
Toan tính của Đức
Đằng sau quyết định viện trợ Taurus có thể là một tính toán chính trị từ Thủ tướng Đức tương lai. Từ lâu, ông Merz đã chỉ trích chính phủ tiền nhiệm vì thiếu quyết đoán trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động của châu Âu trong bối cảnh Mỹ dần thu hẹp cam kết quân sự.
“Ông Merz từng ủng hộ việc chuyển giao Taurus khi còn là lãnh đạo phe đối lập. Việc hiện thực hóa điều đó ngay sau khi ông trở thành Thủ tướng cho thấy mong muốn thể hiện sự khác biệt và củng cố vị thế lãnh đạo của Đức trong NATO cũng như trong chính nội bộ châu Âu”, Tiến sĩ Kaushal nhận định.
Quyết định viện trợ Taurus của ông Merz được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang lo sợ về khả năng Mỹ rút dần vai trò trong khu vực. Nội bộ chính quyền Washington cũng đang vướng phải nhiều bất đồng liên quan đến việc nên hay không nên tiếp tục gửi vũ khí cho Kiev. Trong bối cảnh đó, Berlin có cơ hội để khẳng định vị trí của mình như một cột trụ an ninh châu Âu, sánh vai với Anh và Pháp – những quốc gia đang dẫn đầu “liên minh tự nguyện” nhằm khơi thông dòng chảy viện trợ tới Ukraine cũng như đảm bảo nền hòa bình vững chắc ở nước này sau xung đột
Thời điểm chính phủ Berlin tương lai xem xét chuyển giao Taurus cũng trùng với giai đoạn tiến trình hòa đàm do Mỹ làm trung gian đang bế tắc. Giới quan sát cho rằng ông Merz có thể đang muốn giúp Ukraine cải thiện vị thế chiến lược để tiến đến bàn đàm phán trong tư thế vững vàng hơn.
“Ông Merz có thể tin rằng việc tăng cường vũ khí hiện đại cho Ukraine là con đường thực tế nhất để buộc Nga phải chấp nhận đàm phán. Ông ấy đang nỗ lực định hình lại vai trò của Đức như một tác nhân chủ động, thay vì chỉ phản ứng thụ động với các chính sách từ Washington”, các chuyên gia phân tích từ Jane nhấn mạnh.
Không ngạc nhiên khi tuyên bố từ Berlin vấp phải phản ứng dữ dội từ Moscow. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, lên tiếng cáo buộc chính quyền Merz “cố tình làm leo thang tình hình” và “chứng minh lập trường thù địch đối với nước Nga”.
Thậm chí, một số quan chức Nga đã sử dụng những từ ngữ mang tính kích động cao để chỉ trích ông Merz, cho thấy Moscow xem hành động của Đức không chỉ là viện trợ quân sự mà còn là một đòn giáng chính trị có chủ đích vào tầm ảnh hưởng của Nga tại châu Âu.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Những tuyên bố của ông Merz cho thấy rõ ràng rằng ông ấy ủng hộ lập trường cứng rắn hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng leo thang xung đột hơn nữa ở Ukraine".
“Chúng tôi cũng thấy cách tiếp cận tương tự ở các thủ đô khác của châu Âu”, ông Peskov nói thêm.
Đây không phải lần đầu tiên Điện Kremlin lên tiếng cảnh báo về những hậu quả có thể xảy đến với châu Âu nếu Ukraine tiếp tục nhận được viện trợ. Hồi tháng 11/2024, phản ứng trước thông tin cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng động thái này sẽ “thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột”.
Bà Zakharova lưu ý, nếu Kiev thực hiện các cuộc tấn công như vậy, điều đó sẽ được xem là bằng chứng cho thấy Mỹ cùng các đồng minh đang "trực tiếp can dự vào các hành động thù địch chống lại Nga". Trong trường hợp này, Nga sẽ thực hiện các hành động đáp trả “thích đáng và mang tính răn đe rõ rệt”.