Đức 'dốc hầu bao' cho chiến lược hiện đại hóa quân đội
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius xác nhận Ủy ban ngân sách đã phê duyệt thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và pháo phản lực cũng như tài trợ cho lĩnh vực không gian mạng.
ZaloFacebookTwitterLưu bài viếtBản inCopy link
Quân đội Đức sẽ nhận được khoản ngân sách kỷ lục trị giá hơn 20 tỷ euro để mua sắm các loại vũ khí và trang thiết bị quốc phòng mới, trong đó có 4 tàu ngầm lớp U212 CD do ThyssenKrupp Marine Systems chế tạo.
Theo gói ngân sách được Ủy ban ngân sách Quốc hội Đức thông qua ngày 18/12, các loại vũ khí và trang thiết bị mới sẽ được đặt hàng vào đúng thời điểm nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tìm cách xây dựng lại lực lượng vũ trang vốn bị “bỏ quên” từ lâu.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hoan nghênh quyết định bật đèn xanh cho “38 dự án lớn” - con số cao nhất từ trước đến nay.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức xác nhận Ủy ban ngân sách cũng đã phê duyệt thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và pháo phản lực cũng như tài trợ cho lĩnh vực không gian mạng.
Ông ước tính một số dự án dài hạn như đóng mới 4 tàu ngầm U212 CD (có tổng giá trị lên tới 4,7 tỷ euro, tương đương 4,92 tỷ USD) có thể phải mất 7 đến 8 năm để hoàn thành.
Vài ngày sau khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã khiến các đồng minh ngạc nhiên khi công bố kế hoạch mang tên “Bước ngoặt lịch sử” (tạm dịch từ “Zeitenwende”) với khoản ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để hiện đại hóa lực lượng vũ trang đang xuống cấp của nước Đức.
Nguồn bổ sung từ quỹ này sẽ cho phép Berlin đáp ứng được mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) là các quốc gia thành viên phải chi ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng trong 3 năm tới.
Cũng trong ngày 18/12, Bộ Kinh tế Đức công bố số liệu ghi nhận kim ngạch xuất khẩu vũ khí và các mặt hàng quốc phòng khác của nước này trong năm 2024 đã đạt mức kỷ lục mới là 13,2 tỷ euro, và 2/3 trong số đó (tương đương 8,1 tỷ euro) đã được đưa đến Ukraine, phần lớn do Berlin tài trợ.
Các khách hàng nhập khẩu tiếp theo là Singapore (1,2 tỷ euro), Algeria, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ./.