Đức đối phó với bão giá
Bà Gabriele Washah, một công dân Đức đã nghỉ hưu, kiên nhẫn xếp hàng chờ mua được những túi cà rốt 50 cent (0,5 USD), những hộp sữa chua vừa hết hạn. Với chi phí sinh hoạt đang tăng vọt trên khắp châu Âu, bà là một trong rất nhiều công dân Đức tìm tới các ngân hàng thực phẩm cung cấp các mặt hàng với giá rẻ, phù hợp túi tiền.
Ẩn mình trong con hẻm phía sau một chuỗi siêu thị lớn, ngân hàng thực phẩm nói trên bán rất nhiều mặt hàng tạp hóa giảm giá được các siêu thị quyên tặng, cũng như nhiều suất ăn giá rẻ đã được chuẩn bị sẵn. Tại đây, khách hàng có thể mua đầy xe đẩy thực phẩm với giá khoảng 30 EUR (32 USD). Hiện có khoảng 1.000 ngân hàng thực phẩm trên toàn nước Đức do đội ngũ tình nguyện viên điều hành.
Do chịu ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, lạm phát ở Đức đã tăng lên mức 7,9% trong tháng 5 vừa qua và là mức cao nhất kể từ năm 1990. Giá thực phẩm chịu tác động nặng nề nhất với mức tăng 11,1% so với thời điểm một năm trước. Dự báo chi phí hàng hóa thiết yếu ở Đức sẽ tiếp tục tăng. Theo hãng tin Deutsche Welle, mức tăng có thể lên tới 10,7% trong năm 2022, đồng nghĩa với chi tiêu các hộ gia đình có thể sẽ tăng khoảng 250 EUR (262,75 USD)/người.
Giá cả tăng vọt đã đẩy cuộc sống của những người có mức thu nhập thấp tại Đức rơi vào cảnh khó khăn, ngay cả người có việc làm và thu nhập ổn định cũng không đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản. Người phát ngôn của mạng lưới ngân hàng thực phẩm Tafel cho biết, nhu cầu tìm tới các ngân hàng này trên toàn nước Đức đã gia tăng đáng kể từ đầu năm nay, thậm chí tăng gấp đôi tại một số khu vực. Do đó, Tafel phải điều chỉnh lại hoạt động điều hành 350 ngân hàng thực phẩm trên toàn quốc vì phải trang trải các chi phí hoạt động như tiền thuê mặt bằng, tiền điện. Tổ chức này đã phải tăng giá bán hàng do chi phí hoạt động cũng đội lên.
Các ngân hàng thực phẩm như Tafel chỉ có thể hoạt động khi các siêu thị quyên góp thực phẩm. Trong khi đó, số thực phẩm được quyên góp đã giảm 60-70% thời gian gần đây. Với thực phẩm không đủ tươi để bán trên các quầy kệ, Tafel tổng hợp lại, sau đó phân phát miễn phí cho những người nghèo đã về hưu, lao động thu nhập thấp và cả thanh niên đang thất nghiệp.
Đối với một quốc gia coi trọng sự ổn định kinh tế như Đức, bóng ma lạm phát là mối bận tâm rất lớn. Nỗi lo lạm phát cũng đủ để khiến nền kinh tế Đức chịu ảnh hưởng tiêu cực. Người dân thu nhập thấp là đối tượng bất an hơn cả. Đức cũng là một trong những quốc gia đắt đỏ nhất trong Liên minh châu Âu (EU) về giá nhiên liệu, chỉ sau Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Giá dầu diesel là 2,06 EUR/lít (tương đương 2,24 USD) ở Đức.
Nhằm giảm bớt sức ép tài chính cho người dân, Chính phủ Đức đã giảm thuế nhiên liệu, giảm mạnh phí sử dụng các phương tiện công cộng, cam kết cấp các khoản trợ cấp năng lượng một lần cho người lao động nộp thuế thu nhập với mức 300 EUR (315 USD) và cho người nhận trợ cấp xã hội 100 EUR (105 USD). Các gia đình cũng sẽ nhận được thêm 100 EUR cho mỗi trẻ nhỏ. Giới chức Đức cũng áp đặt mức giá giới hạn cho một số loại thực phẩm, bao gồm đường, sữa bò và chân giò.
Tuy nhiên, những nỗ lực trợ giá giúp gánh nặng chi phí của người dân nhẹ bớt lại đè nặng lên ngân sách quốc gia. Theo các ước tính, chỉ riêng khoản hỗ trợ xăng dầu sẽ khiến ngân sách Đức phải chi thêm khoảng
3 tỷ EUR (3,1 tỷ USD).
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//duc-doi-pho-voi-bao-gia-822470.html