Đức đón người tị nạn Ukraine tốt hơn nhờ bài học năm 2015
Cảnh những người tị nạn Ukraine đến ga xe lửa Berlin và những người Đức trên sân ga vẫy các biển hiệu chào mừng đã khơi dậy ký ức về dòng người tị nạn khổng lồ từ Trung Đông hồi năm 2015.
Nhưng lần này, phần lớn nhờ những bài học kinh nghiệm 7 năm trước khi tiếp nhận hơn một triệu người, Đức đã chuẩn bị tốt hơn để tiếp nhận những người Ukraine đang chạy trốn khỏi cuộc xung đột với Nga.
Những người tị nạn Ukraine đến nhà ga tại Berlin, Đức
Cho đến nay, khoảng 20.000 người Ukraine đã đến Đức, trong số hơn 1 triệu người mà Liên Hợp Quốc ước tính đã rời bỏ Ukraine kể từ khi Nga thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào nước này.
Christian Lueder, người đồng sáng lập Berlin Hilft - tổ chức cung cấp viện trợ cho người tị nạn vào năm 2015, cho biết: "Nhiều cấu trúc và người trợ giúp từ năm 2015 vẫn còn đó, họ chỉ tạm nghỉ một chút. Nhưng tất cả đều hoạt động trở lại".
Thượng viện thành phố Berlin đã thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng trung tâm để điều phối việc tiếp nhận và quản lý những người tị nạn xung quanh thành phố, với 2 trung tâm tiếp nhận chính. Họ đã tổ chức chỗ ở cho người tị nạn trong khách sạn, ký túc xá và căn hộ riêng.
Falko Liecke, ủy viên hội đồng Neukoelln ở Berlin cho biế thành phố cũng đang chuẩn bị các tòa nhà công cộng như sân bay Tempelhof và sân bay Tegel đã đóng cửa để tiếp nhận người tị nạn trong "tình huống xấu nhất". Katharina Voss từ tổ chức từ thiện Tin lành Diakonie cho biết: “Thật sự không thể tin được rằng các địa điểm tị nạn cũ đã được kích hoạt trở lại nhanh chóng như thế”.
Việc Liên minh châu Âu quyết định kích hoạt cơ chế bảo hộ tạm thời cho người tị nạn Ukraine đã giảm bớt gánh nặng cho bộ máy hành chính của Đức. Người Ukraine không cần phải trải qua quá trình xin tị nạn kéo dài và phức tạp, vốn từng gây khó cho nhà chức trách 7 năm trước. Điều đó cũng có nghĩa là trách nhiệm đối với người tị nạn được chia sẻ đồng đều hơn cho tất cả 27 quốc gia thành viên EU.
Thomas Gleissner, người phát ngôn của tổ chức từ thiện Caritas ở Berlin, cho biết sự sẵn sàng giúp đỡ của người Đức lần này thậm chí còn lớn hơn năm 2015 vì xung đột đang diễn ra ở một quốc gia gần đó và ảnh hưởng trực tiếp đến người Đức nhiều hơn.