Đức ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ đầu dịch COVID-19

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Para, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

* Nhiều nước châu Mỹ ghi nhận ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch, với trên 13.000 ca, trong khi số ca nhiễm mới cũng ở trên 22.000 ca.

Số liệu từ các cơ quan y tế Đức thông báo tối 13/1 cho biết chỉ trong một ngày nước Đức đã ghi nhận 1.340 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 43.619 ca.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày là 22.313 ca, đưa tổng số ca nhiễm đến nay lên mức 1,97 triệu ca. Trên toàn nước Đức hiện đang có trên 316.000 ca mắc COVID-19, 5.000 người đang được điều trị tích cực, trong đó có gần 3.000 trường hợp phải sử dụng máy trợ thở và số giường chăm sóc tịch cực hiện chỉ còn trống 4.400 giường.

Để có thể tăng cường bảo vệ nhóm có nguy cơ rủi ro cao với dịch bệnh, chính quyền trung ương và địa phương của Đức đã nhất trí đẩy mạnh các biện pháp nhằm bảo vệ các đối tượng dễ bị rủi ro nhất.

Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 13/1 thông báo sẵn sàng triển khai tới 10.000 binh sĩ tới các viện dưỡng lão hỗ trợ công tác xét nghiệm nhằm giảm tải cho lực lượng y tế tại các cơ sở này.

Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nói: "Những người yếu nhất đang rất cần sự hỗ trợ của chúng ta trong đại dịch. Do vậy, quân đội liên bang đã sẵn sàng cử tới 10.000 người tới hỗ trợ tại các cơ sở dưỡng lão khi được yêu cầu".

Cho tới nay, quân đội Đức đã triển khai gần 1.200 binh sĩ tới hỗ trợ tại 276 cơ sở dưỡng lão.

Cho đến nay, Đức đã hoàn tất tiêm chủng mũi thứ nhất cho gần 760.000 trường hợp, trong đó mỗi ngày tiêm chủng cho từ 50.000-70.000 người.

Báo FAZ của Đức dẫn một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Israel về mức độ tác động và hiệu quả của việc tiêm chủng vắcxin BioNTech/Pfizer cho biết nguy cơ lây nhiễm đã giảm 1/3 từ ngày thứ 13 sau khi tiêm mũi vắcxin thứ nhất.

Nghiên cứu được thực hiện với 200.000 người trên 60 tuổi đã được tiêm mũi vắcxin thứ nhất với số người tương tự chưa được tiêm chủng.

Theo nghiên cứu, hầu như không có khác biệt về nguy cơ lây nhiễm giữa hai nhóm cho đến ngày thứ 12 kể từ khi được tiêm mũi vắcxin thứ nhất, song từ ngày thứ 13, nguy cơ lây nhiễm ở những người đã được tiêm mũi 1 đã giảm 33% so với nhóm không được tiêm.

Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo kết quả sơ bộ không đồng nghĩa với việc người được tiêm chủng có thể miễn dịch hoàn toàn với virus, song đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Cùng ngày 13/1, Chính phủ Đức đã thông qua quy định yêu cầu những người nhập cảnh Đức từ các nước/khu vực có nguy cơ cao đối với đại dịch COVID-19 phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh trong vòng 48 giờ trước khi nhập cảnh, trong khi những trường hợp có kết quả dương tính phải thực hiện cách ly.

Các trường hợp chưa làm xét nghiệm khi nhập cảnh Đức sẽ bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm ở Đức. Các nước và khu vực nằm trong diện có nguy cơ cao đã được xếp trong danh sách của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI).

* Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ đưa tin ngày 13/1, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo đã có 8 quốc gia ở châu Mỹ phát hiện trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh và 2 nước xác nhận các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi.

Các nước ghi nhận ca nhiễm biến thể phát hiện tại Anh gồm Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Jamaica, Mexico, Peru và Mỹ, trong khi Brazil và Canada là hai nước phát hiện sự xuất hiện của biến thể tại Nam Phi.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy các biến thể này ảnh hưởng đến các bệnh nhân một cách khác nhau, song những biến thể này có thể lây lan một cách dễ dàng hơn và có thể đe dọa tới khả năng phản ứng của hệ thống y tế.

Theo bà Etienne, các nước trong khu vực cần phải nêu cao cảnh giác, tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang tại các địa điểm công cộng và rửa tay thường xuyên để có thể giúp kiểm soát được dịch bệnh trong thời điểm hiện tại.

PAHO cũng cảnh bảo về sự gia tăng của các ca mắc COVID-19 mới ở khu vực châu Mỹ trong những tuần gần đây, đặc biệt là trong tuần trước với số ca nhiễm mới kỷ lục lên tới 2,5 triệu trường hợp. Bà Etienne khẳng định hầu như tất cả các nước ở châu Mỹ đều ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng, trong đó nghiêm trọng nhất là Mỹ.

Ngoài ra, vùng Nam Mỹ đã bước vào mùa Hè cũng ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, kể cả các nước như Argentina hay Chile vốn trước đó đã có thời gian ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt.

Trước những thách thức do COVID-19 gây ra trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, PAHO kêu gọi các chính phủ hành động một cách minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học để kiểm soát đại dịch, đồng thời cảnh báo rằng cần phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết nếu không muốn tiếp tục phải trả giá bằng chính mạng sống của người dân.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251165/duc-ghi-nhan-so-ca-tu-vong-cao-nhat-tu-dau-dich-covid-19.html