Đức Giang bước chân vào nhóm vốn hóa tỷ đô trong đà tăng mạnh của cổ phiếu
Trong tuần qua, cổ phiếu DGC của CTCP Hóa chất Đức Giang đã liên tục tăng mạnh và vượt mốc 200.000 đồng/cp khi giao dịch ở mức cao nhất từ trước đến nay là 225.000 đồng, đưa DGC vào nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.
Từ tháng 3/2021 tới nay, thị giá cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang tăng gần 300%, từ vùng giá 60.000 đồng lên mức 225.000 đồng vào cuối phiên giao dịch ngày 25/3. Đưa Đức Giang từ một doanh nghiệp vốn hóa dưới 10.000 tỷ đồng, trở thành một phần trong nhóm doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô với mức vốn hóa khoảng 1,7 tỷ USD.
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiền thân là Công ty Hóa chất Đức Giang - doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam - được thành lập từ năm 1963.
Đến tháng 3/2004, công ty thực hiện chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần với tên gọi CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, bắt đầu giai đoạn tăng mạnh vốn điều lệ. Thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của công ty ở mức 15 tỷ đồng và chỉ sau 10 năm, con số này đã tăng 22 lần, lên 335 tỷ đồng vào cuối năm 2013.
Đến tháng 9/2018, vốn điều lệ của công ty chính thức bước qua ngưỡng 1.000 tỷ, sau khi công ty phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần sở hữu và sáp nhập CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai vào tập đoàn mẹ. Từ đó đến nay, Đức Giang có thêm 4 lần tăng vốn, nâng vốn điều lệ lên trên 1.710 tỷ đồng.
Năm 2021, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 9.550 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 165% và vượt 128% kế hoạch năm 2021. Sang năm 2022, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 12.117 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này dự kiến chia cổ tức năm 2022 là 30%.
Thiếu hụt nguồn cung thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Kết quả kinh doanh của Đức Giang phần nhiều đến từ việc giá các sản phẩm hóa chất và phân bón chủ lực của công ty sản xuất như photpho vàng, axit photphoric, phân lân… đều tăng mạnh. Trong đó, Đức Giang xuất khẩu 2/3 lượng sản phẩm sản xuất.
Từ năm 2021, việc Trung Quốc thiếu hụt năng lượng nội địa và hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đã khiến giá photpho vàng tăng mạnh. Đến đầu năm nay, giá mặt hàng này vẫn chưa thể hạ nhiệt do gián đoạn nguồn cung từ Nga và Trung Quốc đã đẩy giá các mặt hàng xuất khẩu của Đức Giang tăng cao.
Đặc biệt khi photpho còn là nguyên liệu chính để sản xuất chip phục vụ cho thiết bị 5G và sản xuất pin cho xe điện khiến nhu cầu về sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh.
Ngoài ra, công ty giải thích mức doanh thu tăng trưởng mạnh là do duy trì các nhà máy hoạt động hết công suất ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh và dự án mỏ Apatit – Khai trường 25 đi vào vận hành khai thác từ tháng 3/2021 giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tham vọng lấn sân sang mảng bất động sản
Đức Giang khởi đầu tham vọng của mình với dự án Khu chung cư Đức Giang diện tích 54.312 m2 tại số 18/44 đường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Dự án này do công ty con - Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang - quản lý với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Dù đã được cấp phép quy hoạch 1/500 vào tháng 10/2020 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai do chưa được cấp chủ trương đầu tư.
Bên cạnh bất động sản, trong năm nay, Hóa chất Đức Giang còn đầu tư vào Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn, do Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn là chủ đầu tư.
Dự án này được xây dựng tại tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sản xuất một số hóa chất đang thiếu cung tại Việt Nam như Xút, nhựa PVC, CaCO3, … với tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng, diện tích mặt bằng dự kiến sử dụng là 80ha chia ra 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư là 10.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2021-2025 với quy mô 60 ha, tổng công suất 390.000 tấn hóa chất/năm. Giai đoạn 2, quy mô là 20 ha, tổng vốn 2.000 tỷ, tiến hành từ năm 2026 đến năm 2027 với công suất dự kiến 250.000 tấn hóa chất/năm.
Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã thoái vốn toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC tương ứng 3,53% vốn của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Tính theo giá đóng cửa trung bình (183,850 đồng/cp), ước tính Vinachem thu về hơn 1.100 tỷ đồng từ thương vụ này.