Đức hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động theo chuẩn quốc tế
Trong bối cảnh 'việc làm xanh' đang ngày càng gia tăng cùng quá trình chuyển dịch năng lượng, người lao động, thanh niên Việt Nam sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề mới? Đồng thời, hệ thống giáo dục sẽ chuẩn bị gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường?
Chuyển dịch năng lượng mang tới việc làm xanh và cơ hội cho lao động Việt Nam
Năm 2022, ngành năng lượng tái tạo (NLTT) toàn thế giới ước tính có khoảng 12,7 triệu việc làm và con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng, báo cáo mới nhất năm 2023 của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế IRENA chỉ ra. Thêm vào đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ước tính thế giới sẽ có thêm 25 triệu việc làm trong ngành năng lượng sạch và các ngành liên quan vào năm 2030.
Ở Việt Nam, theo ấn phẩm “Đánh giá tổng quan về tác động kinh tế - xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng” (do GIZ xuất bản tháng 3/2022, với sự tài trợ của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức), những việc làm sẽ trở thành xu hướng trong tương lai xanh bao gồm những việc làm có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới năng lượng tái tạo, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như: thiết kế nhà máy, quản lý dự án, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì nhà máy điện, sản xuất tua bin, máy phát điện, nồi hơi, tấm pin quang điện, hệ thống gió cho các nhà máy điện. Ngoài ra còn có các công việc phái sinh được tạo ra, ví dụ trong lĩnh vực logistics hoặc từ nhu cầu sinh kế của người lao động thuộc các nhóm trên như cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, dịch vụ thiết yếu,...
Đánh giá về bối cảnh chung của thế giới cũng như quá trình chuyển dịch về năng lượng và việc làm xanh tại Việt Nam, bà Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các Quốc gia Đông Nam Á (CASE), thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, nhận định: “Lực lượng lao động tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn về nghề nghiệp. Người lao động nên tiếp cận những kiến thức, kỹ năng cập nhật nhất về lĩnh vực NLTT cũng như các vị trí công việc liên quan tới ngành nghề xanh để đón đầu xu thế”.
Việc làm xanh và sự phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam
Đứng trước những bài toán của thị trường lao động khi nhóm việc làm xanh ngày càng tăng lên, hệ thống giáo dục tại Việt Nam đã, đang có nhiều nỗ lực để mở thêm, mở mới các nhóm ngành như năng lượng tái tạo, công nghệ năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Nhưng thực tế, vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, trong khuôn khổ Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, Đức hỗ trợ 11 trường cao đẳng nghề Việt Nam triển khai các chương trình đào tạo nghề kỹ thuật và nghề xanh theo định hướng chuẩn Đức. Phát triển lực lượng lao động cho “việc làm xanh” và chuyển đổi năng lượng đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị từ nhiều phía, và cần sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Văn Chương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Với mục tiêu xây dựng và phát triển Trường trở thành trung tâm đào tạo nghề xanh chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn Đức), Trường đặt trọng tâm phát triển 2 nghề mới tại Việt Nam là Công nghệ Điện tử và Năng lượng Tòa nhà; Công nghệ Cơ khí Sưởi ấm và Điều hòa không khí. Hai nghề này có nhiệm vụ đào tạo ra đội ngũ kỹ sư, lao động chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu về ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả, đặc biệt là các nguồn năng lượng mới”.
Cũng theo TS. Chương, những ngành nghề này đóng vai trò tiên phong, vừa là đòn bẩy, vừa là động lực tạo việc làm và chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Hợp tác Việt - Đức trong định hướng đào tạo “nghề xanh” chuẩn quốc tế
Với 1,5 triệu việc làm và 15% sản lượng kinh tế được tạo ra từ công nghệ xanh, Đức là quốc gia tiên phong và có nhiều kinh nghiệm, giải pháp để chuyển dịch việc làm. Do đó, Đức cũng đi đầu trong việc phát triển các kỹ năng cho việc làm xanh.
“Là đối tác lâu năm và đáng tin cậy của Việt Nam, Đức cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi việc làm xanh tại Việt Nam. Chính phủ Đức đã, đang hợp tác với Việt Nam thúc đẩy xanh hóa việc làm và đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, tạo cơ hội cho người lao động, thanh niên Việt Nam chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu”, TS. Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam chia sẻ.
Một trong những hoạt động của Chính phủ Đức nhằm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng và việc làm ở Việt Nam là Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) và thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).
Ông Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” cho biết: “Quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế, đặc biệt là quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, đòi hỏi những kỹ năng và trình độ mới. Hầu hết các bằng cấp xanh có sử dụng các kiến thức từ các chương trình đào tạo hiện có, nhưng cần các mô-đun đào tạo bổ sung. Ví dụ, các kỹ thuật viên bảo trì các nhà máy điện gió cần một nền tảng chắc chắn trong cơ điện tử, và các kỹ thuật viên quang điện cần được đào tạo về điện/điện tử. Với chương trình đào tạo nghề, chúng tôi không chỉ hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo cơ bản này theo tiêu chuẩn quốc tế, mà cùng với các doanh nghiệp, chúng tôi còn hỗ trợ phát triển các mô-đun đào tạo bổ sung và các khóa học kết hợp để đào tạo các kỹ năng về trình độ xanh, ví dụ như lắp đặt và bảo trì các tấm pin mặt trời trên mái nhà hoặc các nhà máy điện gió”.
Với sự đồng hành của các đối tác quốc tế như CHLB Đức, tin rằng, việc làm xanh sẽ là hành trang để người lao động, thanh niên Việt Nam tự tin bước vào hành trình chuyển dịch năng lượng, chuyển dịch việc làm cùng thế giới.