Đức đã rơi vào bẫy khí đốt của Nga, thực tế trên đang khiến các chính trị gia tại Berlin cảm thấy hoảng sợ, nhận xét này được chia sẻ bởi nhà sử học Đức Katya Hoir trên tờ The Spectator.
Berlin đã thở phào nhẹ nhõm khi trong tuần này, Nga đã nối lại nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống dẫn Nord Stream 1 sau 10 ngày ngừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng định kỳ.
Nhưng theo chuyên gia Katja Hoir, ngay cả với sự trở lại của tuyến đường ống quan trọng như vậy, Đức vẫn tỏ ra rất hồi hộp và lo lắng về việc liệu nước này có đủ khí đốt để tồn tại trong mùa Đông tới hay không.
Tác giả bài viết trên tờ Spectator cho rằng, Đức đã rơi vào bẫy khí đốt của Nga, do nước này quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Liên bang Nga. Moskva đã tìm ra cách khai thác lỗ hổng nhiên liệu của châu Âu và thường xuyên gây áp lực về điều này.
Ví dụ hồi đầu năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố tạm dừng vận hành đường ống Nord Stream 2 liên quan tới việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine.
Bình luận về sự kiện này, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nói như sau: "Chào mừng bạn đến với thế giới mới dũng cảm, nơi mà rất sớm thôi, người châu Âu sẽ trả 2.000 euro cho 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên"!
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom đã cắt giảm 40% nguồn cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream vào tháng trước, với lý do thiếu turbine của Siemens.
Thiết bị này đang được sửa chữa ở Canada và chính quyền địa phương từ chối trả lại nó do các lệnh trừng phạt. Một thời gian trước, tình hình này đã được nhận xét là có lợi cho Liên bang Nga.
Tổng thống Putin cảnh báo rằng các dòng khí đốt có thể bị giảm nhiều hơn nếu lệnh trừng phạt can thiệp vào hoạt động kỹ thuật của đường ống. Do vậy ở Đức, họ sợ rằng đất nước có thể bị thiếu khí đốt trong mùa Đông tới.
“Bây giờ Đức đang chuẩn bị đối diện cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Những gì bắt đầu như một cuộc tranh luận về đa dạng hóa năng lượng và lập kế hoạch dự phòng trung hạn đã nhanh chóng trở thành hoảng loạn", chuyên gia Hoir nói.
Đối với phương Tây, họ lo ngại rằng các chính trị gia Đức thậm chí không cố gắng che giấu sự hoảng sợ của mình. Các nhà chức trách Đức gây áp lực buộc Canada phải trả lại turbine cho Nord Stream càng sớm càng tốt.
Sau đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Burbock thừa nhận rằng nhóm làm việc của bà đã cố gắng thuyết phục người Canada rằng nếu họ từ chối trả lại thiết bị trên, Berlin sẽ không thể hỗ trợ Ukraine được nữa.
Nhà phân tích cho biết: “Những lời hùng biện như vậy của các quan chức chính phủ Đức đã cho thấy cuộc chiến kinh tế và tâm lý do Điện Kremlin phát động nhằm chống lại Berlin đã mang tới hiệu quả rất cao”.
Kế hoạch của Nga có thể dự đoán được vì nó mang lại hiệu quả: giữ nguồn cung cấp khí đốt cho Đức ở mức cho phép nước này khống chế, nhưng đủ thấp để gây ra hiện tượng giá cả tăng vọt và không chắc chắn về tương lai.
Do vậy, Liên bang Nga sẽ tiếp tục nhận được khoản thu nhập khổng lồ từ xuất khẩu năng lượng và còn thúc đẩy sự chia rẽ trong nội bộ liên minh phương Tây.
Mọi thứ chỉ ra rằng Điện Kremlin sẽ thành công trong chiến thuật này. Tinh thần ở Đức đang xuống dốc. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy giá năng lượng đã trở thành vấn đề chính, hầu hết người dân Đức tin rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề hơn đến họ so với Nga.
Bạch Dương