Đức kêu gọi có thêm các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận xét hội nghị thượng đỉnh gần đây về Ukraine ở Jeddah, Saudi Arabia là một sự kiện 'rất đặc biệt', đồng thời kêu gọi cần có nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Bloomberg

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Bloomberg

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra bình luận trên trong cuộc phỏng vấn mùa hè hàng năm với đài truyền hình ZDF, phát sóng vào ngày 13/8. Nhà lãnh đạo này kêu gọi cần có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao hơn nữa vì nó thực sự hữu ích trong việc "gây áp lực" với Nga.

Thủ tướng Đức cũng nhắc đến một sự kiện ngoại giao tương tự do Đan Mạch tổ chức vào tháng 6, nói rằng các cuộc đàm phán này và hội nghị thượng đỉnh do Saudi Arabia tổ chức đều là những sự kiện "rất đặc biệt". "Chúng rất quan trọng, nhưng thật tiếc vì chúng thực sự mới chỉ là bước khởi đầu", ông Scholz nói.

Đại diện của Trung Quốc, Mỹ và Saudi Arabia tham dự các cuộc đàm phán tại Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: Saudi Press Agency

Đại diện của Trung Quốc, Mỹ và Saudi Arabia tham dự các cuộc đàm phán tại Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: Saudi Press Agency

Ngày 5-6/8, đại diện từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và các nước châu Âu, nhưng không có Nga, đã tham gia đối thoại an ninh do Ukraine tổ chức tại thành phố Jeddah, Saudi Arabia.

Kiev cho biết các cuộc đàm phán ở Jeddah "rất hiệu quả trong việc đạt được các nguyên tắc chính để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài". Nước này kêu gọi các bên ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó bao gồm việc yêu cầu Nga rút quân và trao trả toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, Moscow lên tiếng bác bỏ các cuộc đàm phán này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng "cuộc họp về khủng hoảng Ukraine không có thêm bất kỳ giá trị nào" vì không có sự tham gia của Nga và không tính đến lợi ích của nước này. Moscow nhấn mạnh một giải pháp hòa bình chỉ có thể thực hiện được nếu quân đội Ukraine hạ vũ khí.

Khi được hỏi về triển vọng hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và đặc biệt là việc sắp chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus, Thủ tướng Đức Scholz đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp, nhưng ngụ ý rằng Berlin sẽ tuân thủ chính sách hỗ trợ Kiev một cách cân nhắc.

"Như trong quá khứ, chúng tôi sẽ luôn xem xét mọi quyết định một cách cẩn thận, về điều gì có thể xảy ra, điều gì có ý nghĩa, điều gì có thể là đóng góp của chúng tôi", ông Scholz nói.

Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng Berlin hiện là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố: "Công thức rất đơn giản: Tầm bắn của tên lửa xa hơn có nghĩa là thời gian cuộc chiến diễn ra ngắn hơn".

Theo quan chức này, việc sử dụng các tên lửa tầm xa giúp Kiev có thể "tiếp cận khu vực các lực lượng Nga ở phía bên kia chiến tuyến, làm gián đoạn hoạt động hậu cần của họ và phá hủy các trung tâm chỉ huy cũng như kho đạn dược".

Theo RT, Đức từ lâu đã phản đối yêu cầu cung cấp khí tài quân sự tinh vi cho Ukraine. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, Berlin đã nhượng bộ và đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cho phép các bên thứ ba tái xuất các phương tiện quân sự do Đức sản xuất sang Ukraine.

Về vấn đề cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, các chính trị gia trong liên minh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng như phe đối lập bảo thủ gần đây đã gia tăng áp lực. Trong đó, có những lo ngại cho rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa viện trợ cho các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga - điều này có thể sẽ làm gia tăng xung đột.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/duc-keu-goi-co-them-cac-cuoc-dam-phan-hoa-binh-ve-ukraine-post25565.html