Đức khẳng định vai trò trong liên quân chống IS
Đức và Iraq nhất trí tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Tham gia liên minh chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ đứng đầu ở Iraq, Đức muốn mở rộng vai trò của mình trong cuộc chiến này.
Trong chuyến thăm Iraq gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ðức A.Karrenbauer có cuộc thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà N.Shammari về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực quân sự và tình báo, cũng như huấn luyện các lực lượng vũ trang Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Ðức nhận định, mặc dù đã bị đánh bại, song tổ chức IS vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, Chính phủ Ðức mong muốn tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq tiêu diệt hoàn toàn nhóm khủng bố này. Bà A.Karrenbauer cũng cho biết, Berlin đã và đang hỗ trợ hậu cần cho Iraq cũng như hợp tác tình báo với lực lượng an ninh nước này chống các nhóm khủng bố.
Trong chuyến thăm tới Baghdad này, Bộ trưởng Quốc phòng Ðức có các cuộc gặp Thủ tướng Iraq A.Mahdi và Tổng thống B.Salih để trao đổi về sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như vai trò của Ðức trong liên minh quân sự chống IS. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Ðức khẳng định, Berlin muốn mở rộng quan hệ với Iraq và tăng cường hợp tác với quốc gia Trung Ðông trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và tái thiết đất nước. Các nhà lãnh đạo Iraq đã hoan nghênh và đánh giá cao vai trò của Ðức trong việc hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống IS, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Ðức trên mọi lĩnh vực, nhất là về vấn đề an ninh và tình báo. Tổng thống Iraq B.Salih nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác quân sự với các nước Liên hiệp châu Âu (EU) để giúp tăng cường khả năng cho các lực lượng vũ trang Iraq cũng như sự cần thiết phải giải tỏa tình hình căng thẳng khu vực trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran đang gia tăng.
Ðức muốn thúc đẩy hợp tác với Iraq trong bối cảnh Thủ tướng Iraq A.Mahdi mới đây hủy quyết định cho phép liên quân quốc tế chống IS sử dụng không phận nước này. Trong khi đó, Ðức rất cần hợp tác với Iraq để ngăn chặn các nguy cơ khủng bố. Cũng như một số nước châu Âu khác, Chính phủ Ðức gặp khó khăn về cách thức xử lý những công dân từng tới Syria và gia nhập các nhóm thánh chiến như IS. Theo tình báo Ðức, có hơn 1.000 công dân Ðức tham gia hoạt động của IS tại Syria và Iraq. Ðến nay, đã có một phần ba trong số đó hồi hương, một phần ba trong đó được cho là đã chết, và số còn lại có thể vẫn đang ẩn náu tại hai quốc gia Trung Ðông này.
Liên minh quân sự chống IS ước tính rằng, hiện còn khoảng 14 nghìn đến 18 nghìn tay súng IS tại Iraq và Syria, trong đó khoảng 3.000 phần tử là người nước ngoài. IS được cảnh báo có thể sẽ tập hợp lại và duy trì hoạt động ở hai quốc gia Trung Ðông này một phần vì các lực lượng an ninh ở địa phương chưa thể duy trì các chiến dịch lâu dài và gìn giữ phần lãnh thổ mà họ đã giành lại từ IS. Bởi thế, sự hợp tác giữa Chính phủ Iraq và các quốc gia trong liên minh quân sự chống IS là điều cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi và lợi ích an ninh của cả hai bên.