Đức kích hoạt 'cảnh báo sớm' do lo ngại khủng hoảng nguồn cung khí đốt

c đã thực hiện bước tiến chính thức đầu tiên đối với việc phân phối khí đốt, khi lo ngại gia tăng về khả năng ngừng cung cấp năng lượng của Nga và bế tắc về thanh toán bằng đồng rúp.

Quyết định của cường quốc công nghiệp này của Liên minh châu Âu về việc kích hoạt giai đoạn "cảnh báo sớm" của đạo luật khí đốt khẩn cấp vào hôm thứ Tư (30/3) là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các quốc gia trong khối đang chuẩn bị cho các vấn đề cung cấp năng lượng sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức và Phó thủ tướng Robert Habeck phát biểu tại hội trường toàn thể của hạ viện Đức. Ảnh: Michele Tantussi/Reuters.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck chia sẻ tại Berlin: “Các khủng hoảng sẽ được nghiên cứu kĩ lưỡng, đồng thời cho biết thêm rằng nhóm sẽ bao gồm các thành viên trong bộ, cơ quan quản lý của đất nước và khu vực tư nhân.”

Theo Habeck, biện pháp "cảnh báo sớm", là mức báo động đầu tiên trong ba mức báo động theo kế hoạch khí đốt khẩn cấp của chính phủ Đức, là "phòng ngừa" và nhằm đảm bảo cung cấp nhiên liệu.

Ông Habeck nói thêm rằng: dự trữ khí đốt quốc gia hiện ở mức 25% công suất, cảnh báo rằng việc ngừng xuất khẩu năng lượng từ Nga sẽ gây ra những hậu quả "nghiêm trọng", mặc dù nguồn cung vẫn tiếp tục “chảy” bình thường.

Tuần trước, Nga tuyên bố nước này sẽ tạo ra một cơ chế vào ngày 31 tháng 3 để "các quốc gia không thân thiện" - những quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt, buộc phải thanh toán hóa đơn khí đốt bằng đồng rúp, để nỗ lực củng cố đồng tiền tệ của nước này. Trước đó, hầu hết quốc gia đều thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc đô la Mỹ.

Được biết, điện Kremlin nhắc lại yêu cầu thanh toán của họ đối với việc vận chuyển khí đốt tới EU vào thứ Ba (29/3), sau khi các bộ trưởng từ Nhóm 7 nước coi thỏa thuận hiện tại là "không thể chấp nhận được."

Theo ông Habeck tuyên bố trong cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc vi phạm hợp đồng tư nhân” đối với việc cung cấp khí đốt.

Nga đã phải chịu một loạt các biện pháp trừng phạt nặng nề do thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt lên Ukraine, khiến nước này phải “tranh giành” nguồn dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, về phía châu Âu vẫn không thể ngừng mua dầu và khí đốt từ “cường quốc năng lượng” này được.

Được biết, Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, cộng với các đường ống dẫn dầu, khi từ nước này cung cấp đến 55% nhu cầu trước khi xung đột Nga - Ukraine. Ước tính, trong quý I/2022, con số này đã giảm xuống còn 40%.

Đức đã đẩy nhanh các kế hoạch cắt giảm khí đốt của Nga và đa dạng hóa nguồn cung cấp kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Theo ông Habeck, Đức sẽ không đạt được độc lập hoàn toàn khỏi nguồn cung cấp của Nga cho đến giữa năm 2024.

Nếu tình hình ở Đức đòi hỏi mức cảnh báo cao nhất, các quan chức nước này có thể sẽ tiếp quản việc phân phối để đảm bảo có sẵn khí đốt cho "khách hàng được bảo vệ", bao gồm các hộ gia đình, bệnh viện, sở cứu hỏa và cảnh sát.

Lê Na (Theo Aljazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duc-kich-hoat-canh-bao-som-do-lo-ngai-khung-hoang-nguon-cung-khi-dot-post187889.html