Đức Linh: Chú trọng phát triển công nghiệp

Nhờ phát triển công nghiệp đúng hướng nên cơ cấu kinh tế của huyện Đức Linh có sự thay đổi tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Đức Linh

 Nuôi gà công nghiệp lấy trứng ở Đức Linh.

Nuôi gà công nghiệp lấy trứng ở Đức Linh.

Thời gian qua, huyện Đức Linh xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh là khâu đột phá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và tích tực kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nổi bật là quy hoạch và phát triển mới 3 cụm công nghiệp tại xã Đông Hà với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đồng thời thu hút được 8 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào 3 cụm công nghiệp tại xã Đông Hà với tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 12.500 lao động. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải Nam Chính, dự án Hệ thống cấp phục vụ cho thị trấn Đức Tài, các xã phía nam huyện và các cụm công nghiệp. Đưa vào hoạt động Nhà máy May Nhà Bè và Công ty May Thái Sơn đã giải quyết việc làm cho 2.500 lao động tại địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kéo theo các ngành dịch vụ phát triển…

Nhờ phát triển công nghiệp đúng hướng nên cơ cấu kinh tế của huyện Đức Linh có sự thay đổi tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể: tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản giảm từ 52,22% năm 2015 xuống còn 46,94% năm 2020, trong khi đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,72% năm 2015 lên 25,01% năm 2020, ngành dịch vụ tăng từ 26,06% năm 2015 lên 28,05% năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ngành công nghiệp có sự chuyển dịch khá nhưng vẫn phản ánh trình độ phát triển chậm, tăng trưởng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào một số ngành công nghiệp chủ lực của huyện như chế biến mủ cao su, thức ăn gia súc, tinh bột mì, xay xát lương thực, gia công may mặc, sản xuất gạch, các ngành công nghiệp khác quy mô còn nhỏ lẻ manh mún, thị trường và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn yếu, thiếu thị trường ổn định. Nguồn lao động của huyện dồi dào nhưng chất lượng chưa cao, năng suất lao động còn thấp, trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Húy – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: Huyện đang hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Linh theo quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2040 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Thuận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Quy hoạch xác định cụ thể danh mục các ngành mũi nhọn ưu tiên phát triển như gia công may mặc, giày da, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí, máy móc và các sản phẩm chủ lực có lợi thế của huyện như chế biến cao su, lương thực thực phẩm, tinh bột mì, chế biến gỗ để làm căn cứ cho việc phân bổ 3 nguồn lực. Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông đối ngoại quan trọng theo hướng liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục tỉnh lộ với các vùng kinh tế trọng điểm lân cận như nâng cấp đường Mê Pu – Đa Kai, đường ĐT766 đi cầu Bến Thuyền, đường Đông Hà – Gia Huynh, đầu tư các trục giao thông đối nội nhằm tăng cường sự liên kết giữa các trung tâm đô thị, khu dân cư với cụm công nghiệp để tạo môi trường thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất kinh doanh …

ĐẠi LỰc

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/duc-linh-chu-trong-phat-trien-cong-nghiep-133610.html