Đức Linh: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi
Những năm gần đây, huyện Đức Linh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp làm cầu nối để kêu gọi, giới thiệu cho các doanh nghiệp những sản phẩm lợi thế của địa phương, tạo mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cùng tham gia cung ứng vật tư và thu mua sản phẩm của nông dân.
Đức Linh
Đến thời điểm này, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, các công ty và doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với nông dân thông qua tổ hợp tác, HTX để tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện như: điều, cao su, lúa bắp, rau và heo. Với cây lúa, hàng năm huyện đã thực hiện liên kết hơn 13.470 tấn, chiếm 10,23% sản lượng lúa toàn huyện. Trong đó, HTX nông nghiệp Công Thành Đức Linh đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng liên kết với Công ty TNHH MTV Út Hạnh Công Thành Long An là 8.700 tấn/năm, giá trị tiêu thụ ổn định từ 5.100 – 5.500 đồng/kg. Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Đại Nhật Phát liên kết với HTX Nông nghiệp Mê Pu, HTX Nông nghiệp Sùng Nhơn ký kết hợp đồng tiêu thụ hơn 4.770 tấn/năm. Bên cạnh đó, còn thực hiện liên kết hơn 1.500 tấn/năm cây ăn trái chiếm 12,82% sản lượng của huyện. Trong đó, HTX bưởi da xanh Đông Hà đã liên kết với nông dân xã ký hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh quy mô 500 tấn/năm với Công ty TNHH Hưng Phát TP. HCM. HTX Rô Mô ký hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với Công ty TNHH An Bình quy mô 1.000 tấn/năm. Đối với sản phẩm rau ăn lá, HTX rau an toàn Trà Tân đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH MTV Đỗ Nguyễn Minh với sản lượng hàng năm đạt 138 tấn. Ngoài ra, HTX rau Tiến Phát còn ký kết hợp đồng với HTX rau Phú Long tiêu thụ hơn 57 tấn rau ăn lá/năm…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh - Huỳnh Văn Tú cho biết, các mô hình liên kết ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều đơn vị trong và ngoài huyện tìm kiếm và đầu tư cho người dân thông qua tổ hợp tác, HTX để thu mua, tiêu thụ sản phẩm mang hiệu quả cao và được các bên duy trì. Không chỉ vậy, đa số nông dân đều hưởng ứng, chuyển đổi cây trồng phù hợp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Một số thành viên HTX chưa hiểu hết mục đích, yêu cầu khi thực hiện chuỗi liên kết; chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa… Chưa kể, năng lực quản lý của một số HTX còn yếu, thiếu trong các khâu cung ứng, liên kết. Dẫn đến tỷ lệ thành viên HTX tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế trong liên kết sản xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, có cơ chế linh hoạt về thủ tục vay vốn cho các HTX. Ngoài ra, còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính triển khai và hướng dẫn quy trình, thủ tục thanh quyết toán ngân sách khi thực hiện kinh phí từ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…