Đức lo ngại Mỹ cắt giảm hiện diện quân sự tại châu Âu

Chính phủ Đức đang theo dõi sát sao kế hoạch đánh giá lại việc triển khai lực lượng toàn cầu của Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump cân nhắc khả năng cắt giảm hiện diện quân sự tại châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: AFP/TTXVN

Berlin lo ngại động thái này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh khu vực và vai trò của Mỹ trong khối NATO.

Theo tờ Politico ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã tới Washington để thảo luận trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth về báo cáo Global Force Posture Review - một đánh giá chiến lược do Lầu Năm Góc chủ trì nhằm tái cơ cấu sự hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn cầu. Báo cáo này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 9 tới, trong bối cảnh Washington đang điều chỉnh trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cân nhắc cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở nước ngoài.

Ông Pistorius cho rằng Mỹ có những lợi ích chiến lược riêng và khó có thể duy trì vai trò hiện tại lâu dài. Do đó, theo ông, các đồng minh châu Âu cần chủ động phối hợp để chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Hiện nay, Đức là quốc gia châu Âu có số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú lớn nhất, với khoảng 35.000 quân nhân đang đóng tại hơn 30 địa điểm trên lãnh thổ. Trong đó có các căn cứ chiến lược như Ramstein - trung tâm điều phối không quân và liên lạc vệ tinh toàn cầu của Mỹ, hay Grafenwohr - nơi được xem là khu huấn luyện quân sự lớn nhất của Mỹ ngoài lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Aylin Matle thuộc Hội đồng Đối ngoại Đức, việc duy trì các căn cứ này không chỉ phục vụ an ninh châu Âu mà còn giúp Mỹ mở rộng sức mạnh ra Trung Đông và châu Phi. “Nếu cắt giảm, đó sẽ là một tín hiệu chính trị quan trọng từ chính quyền Trump”, bà nhận định.

Trong khi đó, một quan chức NATO đã cho biết việc rút quân có thể lên tới 30% số lượng hiện tại - một thay đổi có thể tác động lớn tới cấu trúc phòng thủ của NATO. Dù vậy, Washington cam kết sẽ không gây bất ngờ hay tạo ra lỗ hổng trong an ninh chiến lược của châu Âu.

Để chuẩn bị cho khả năng Mỹ giảm cam kết quân sự, Đức đã tuyên bố tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Theo kế hoạch, ngân sách quốc phòng của nước này sẽ tăng từ khoảng 86 tỷ euro (khoảng 94 tỷ USD) năm 2025 lên 153 tỷ euro (khoảng 167 tỷ USD) vào năm 2029, tương đương 3,5% GDP. Đây được xem là bước đi nhằm đáp ứng mục tiêu của NATO và nâng cao năng lực phòng thủ độc lập trong trường hợp Mỹ thu hẹp hiện diện.

Ngoài ra, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng tích cực thúc đẩy đối thoại song phương với chính quyền Mỹ. Hồi đầu tháng 7, ông đã điện đàm với Tổng thống Trump để đảm bảo duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong cuộc gặp sau đó tại Nhà Trắng, ông Trump thừa nhận Berlin đã "bắt đầu tăng cường nỗ lực" và khẳng định sẽ “xem xét những điều phù hợp”.

Dù vậy, theo các chuyên gia, tương lai hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu sẽ phụ thuộc lớn vào kết quả của báo cáo chiến lược sắp công bố và các quyết định tiếp theo của Washington. Với Đức, mục tiêu hiện nay là duy trì sự phối hợp chặt chẽ nhằm tránh những thay đổi đột ngột có thể làm suy yếu an ninh khu vực.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/duc-lo-ngai-my-cat-giam-hien-dien-quan-su-tai-chau-au-20250728110049210.htm