Đức lo ngại tương lai sóng gió với ông Trump sau lệnh rút 9.500 quân
Một tuần sau khi Thủ tướng Angela Merkel báo không thể dự họp thượng đỉnh G7 tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố rút 9.500 quân khỏi nước Đức.
Khi thủ tướng Đức thông báo cho Tổng thống Donald Trump rằng bà không thể đến Mỹ dự cuộc họp thượng đỉnh G7 mà ông muốn tổ chức trong tháng 6, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo trở nên sóng gió.
Không còn thái độ khách sáo như thường lệ, phản ứng trước lý do lo ngại đại dịch từ bà Angela Merkel, tổng thống Mỹ xả hết những giận dữ về một loạt vấn đề, từ nhóm G7 đến liên minh quân sự NATO rồi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông khẳng định nước Mỹ đang rất ổn, bất chấp làn sóng biểu tình và bạo loạn bắt đầu bùng phát trên khắp đất nước. Tổng thống Trump nói đại dịch Covid-19 là lỗi của Trung Quốc. Cuộc gọi kết thúc chỉ sau 20 phút. Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với New York Times: "Đó không phải là cuộc điện đàm dễ chịu".
Quyết định rút quân
Gần một tuần sau sự kiện trên, người Đức bất ngờ đón nhận thông tin Mỹ đang lên kế hoạch giảm gần hơn 1/4 hiện diện quân sự tại nước này. Khoảng 9.500 quân với sứ mệnh gìn giữ hòa bình cho châu Âu được lệnh rút đi trong 3 tháng tới. Không một lời cảnh báo. Thậm chí đến nay Mỹ còn chưa chính thức thông báo cho chính phủ Đức.
Vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa hai sự kiện này. Tuy nhiên, khi đặt chúng gần với nhau, một số người bắt đầu lo ngại đây là tín hiệu rạn vỡ mối quan hệ giữa Mỹ và quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất châu Âu. Quá trình này đang diễn ra với mức độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến II, với liên lạc giữa hai phía sụp đổ và lợi ích các bên khác biệt trên mọi vấn đề quan trọng, từ Nga, Iran, Trung Quốc đến thương mại và an ninh.
Niềm tin cá nhân giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Trump đã bốc hơi từ lâu. Nhưng giờ đây, một niềm tin khác mang tính chất nền móng giữa hai nước cũng đang dần xói mòn: Niềm tin về nền tảng chiến lược của quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Quyết định rút quân thiếu hẳn vai trò của quá trình tham vấn. Sự bất ổn và khó lường đó trong giao tiếp với Tổng thống Trump đã trở thành đặc trưng suốt nhiệm kỳ này. Trong con mắt của giới chức châu Âu, Washington từ một đồng minh không thể đánh mất trở thành một đồng minh mà họ khó lòng trông cậy nữa, dù bản thân các nước châu Âu chẳng muốn điều đó xảy ra.
"Thêm một tiếng chuông cảnh tỉnh cho châu Âu rằng chúng ta cần tự định đoạt số phận", Johann David Wadephul, nhân vật cấp cao trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel, nhận định.
Hai hình mẫu lãnh đạo trái ngược
Sự thiếu ăn ý giữa Tổng thống Trump, xuất thân là một tỷ phú và ngôi sao truyền hình, với Thủ tướng Merkel, một nhà vật lý học lượng tử, đã hiện rõ từ lâu. Điều đáng lo ngại là nhà lãnh đạo Mỹ giờ đây cũng không tỏ ra "chung chí hướng" với bà Merkel trên mọi vấn đề.
"Bà Merkel đại diện cho những điều mà ông Trump không ưa: chủ nghĩa toàn cầu, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế. Ông Trump hợp hơn với những nhà lãnh đạo chuyên quyền trên thế giới", ông Thomas Kleine-Brockhoff, phó chủ tịch nhóm nghiên cứu German Marshall Fund, nhận định.
Theo chuyên gia của German Marshall Fund, người Đức lo ngại ông Trump đang đi trên con đường nhìn nhận lại lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Trong đó, quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương không còn chỗ đứng.
"Ông ấy nghĩ mình đang chứng tỏ quyền lực, khả năng mặc cả và sức mạnh của nước Mỹ. Nhưng nếu trong 3 tháng tới số quân đó thật sự về nước, ông ấy đã làm mất đi 25% năng lực răn đe của Mỹ tại châu Âu", vị chuyên gia cảnh báo.
Những nhà ngoại giao kỳ cựu ở cả hai nước nhất trí quan hệ Mỹ - Đức cần được nhìn nhận mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt khi Anh đã rời Liên minh Châu Âu (EU). Đức là quốc gia giàu có nhất và đông dân nhất châu Âu, đồng thời là đầu tàu kinh tế cho cả châu lục và đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Các công ty Đức tạo ra gần 700.000 việc làm tại Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ có khoảng 35.000 quân đồn trú trên lãnh thổ Đức, biến quốc gia Tây Âu trở thành cầu nối quân sự quan trọng nhất của mình. Những căn cứ Mỹ tuyển dụng gần 12.000 lao động tại Đức. Hàng chục nghìn người lao động khác cũng phụ thuộc vào hiện diện quân sự Mỹ. Quyết định rút quân không chỉ tạo tổn hại về an ninh mà còn cả kinh tế cho nước Đức.
Tổn thất chiến lược
Ở chiều ngược lại, Mỹ sẽ gánh chịu tổn thất về mặt chiến lược. Theo cảnh báo của một số quan chức, ngoài động thái rút quân, Tổng thống Trump còn lên kế hoạch giới hạn quân số đồn trú ở Đức không quá 25.000 người. Con số này chưa bằng 1/2 giới hạn quân số hiện nay.
Theo Ivo Daalder, lãnh đạo tổ chức nghiên cứu Council of Global Affairs của Chicago, việc giảm quân số tối đa mang sức tác động lớn hơn nhiều so với quyết định rút 9.500 quân về nước.
Gần như toàn bộ chuyến bay quân sự Mỹ đến Iraq hoặc Afghanistan phải đi qua căn cứ Ramstein, nằm phía tây nam nước Đức. Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Bệnh viện quân y Landstuhl cũng là nơi tiếp nhận phần lớn thương binh Mỹ từ Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, Bộ tư lệnh Châu Phi (AFRICON), chỉ huy các sứ mệnh quân sự Mỹ ở châu lục này, cũng được đặt tại Đức.
Quan trọng hơn hết, quân đội Mỹ đóng tại Đức là lá chắn răn đe trước sức ép an ninh từ Nga. Theo Nicholas Burns, cựu quan chức chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, quyết định rút quân đã làm lợi cho mục tiêu dài hạn của Moscow là chia rẽ phương Tây.
"Đây là đòn đánh mang ý nghĩa chính trị và tính biểu tượng rất lớn nhắm vào ưu tiên cấp thiết của chúng ta ở châu Âu: củng cố liên kết chiến lược với nước Đức, cường quốc quan trọng nhất châu Âu, đặc biệt sau khi Anh rời EU", Burns nhận định.
Giới chức Đức đang chuẩn bị tâm lý cho các thông báo đột ngột khác từ Washington trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Một vài quan chức lo ngại ông Trump sẽ đẩy nhanh tiến độ rút quân khỏi Afghanistan, nhường ưu thế trên bàn đàm phán cho Taliban. Có người dự đoán ông sẽ cho rút quân khỏi Hàn Quốc.