Đức muốn tặng 250 triệu khẩu trang cho các nước chống dịch COVID-19
Bộ Tài chính Đức đã nhất trí trên nguyên tắc về việc trao tặng số khẩu trang chưa sử dụng, bởi số khẩu trang này sẽ sớm hết hạn nếu không được trao cho người khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, sau giai đoạn đầu thiếu trầm trọng khẩu trang, nước này đặt mua và đã nhập về tổng cộng 2,5 tỷ chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, Đức cũng muốn tặng 250 triệu khẩu trang cho các nước đang cần cho cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Báo Spiegel ngày 13/8 dẫn một tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức cho biết, do số khẩu trang dư thừa chưa sử dụng còn lớn, Chính phủ Đức muốn thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tặng 250 triệu khẩu trang trị giá 275 triệu euro (325,3 triệu USD) cho các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Điều này cũng nhằm thể hiện tình đoàn kết với các nước trong cuộc chiến chống COVID-19. Theo nguồn tin, Bộ Y tế Đức đã nhập khẩu tổng cộng 2,7 tỷ chiếc khẩu trang và thêm một tỷ khẩu trang nữa sẽ được nhập về vào dịp cuối năm nay.
Bộ Tài chính Đức đã nhất trí trên nguyên tắc về việc trao tặng số khẩu trang chưa sử dụng, bởi số khẩu trang này sẽ sớm hết hạn nếu không được trao cho người khác.
Liên quan sự cố chậm thông báo kết quả xét nghiệm của bang Bayern (bao gồm 44.000 trường hợp, trong đó có khoảng 900 người có kết quả dương tính), Bộ trưởng Y tế bang Melanie Huml đã xin từ chức.
Tuy nhiên, Thủ hiến bang Markus Söder vẫn bày tỏ sự tin tưởng dành cho quan chức này, song yêu cầu không để lặp lại sự cố và giới chức y tế bang thực hiện chuyển kết quả cho người xét nghiệm bằng công nghệ số.
Ông Söder cũng cho biết hiện bang Bayern đang tiến hành khoảng 60.000 xét nghiệm mỗi ngày tại các điểm như ở sân bay, bến xe và các nhà ga trung tâm, trong đó tỷ lệ lây nhiễm tại các bến xe và nhà ga cao hơn ở các sân bay. Đến cuối tháng 8, Bayern có năng lực thực hiện khoảng 200.000 ca xét nghiệm mỗi ngày.
Theo thông báo của Viện Robert Koch (RKI), Đức ghi nhận 1.445 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất ghi nhận trong ngày tính từ hôm 1/5. RKI bày tỏ lo ngại về xu hướng gia tăng số ca lây nhiễm mới này.
Trong khi đó, chuyên gia về y tế của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Karl Lauterbach cảnh báo, số ca nhiễm mới ngày một tăng rõ ràng là sự khởi đầu của một làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Đức, giống như ở nhiều nước châu Âu khác.
Ông Lauterbach kêu gọi tất cả mọi người phải sớm hành động, do làn sóng lây nhiễm sẽ tiếp tục bùng phát mạnh mẽ nếu Đức không điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa hiện hành.
Hiệp hội Thương mại Đức (HDE) cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ không thể chống đỡ khi xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Giám đốc HDE Stefan Genth cho rằng nếu làn sóng thứ hai xảy ra, khách hàng giảm sẽ khiến hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa và các nhà bán lẻ sẽ không còn khả năng ứng phó về mặt kinh tế. Ông Genth kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng dịch và nỗ lực hết sức để tránh làn sóng lây nhiễm mới.
Hiện cả nước Đức đang có 5 điểm nóng về dịch bệnh ở quy mô cấp quận/huyện/thành phố, cụ thể là ở Dingolfing-Landau (bang Bayern), Ludwigshafen (bang Rheinland-Pfalz), Hagen và Duisburg (bang Nordrhein-Westfalen) và quận Mitte ở Berlin. Đây là những vùng có 25 ca nhiễm mới/100.000 dân trong 7 ngày.
Trong khi đó, Viện Paul Ehrlich (PEI - đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép vắcxin của Đức) cho biết nước này sẽ chỉ có thể có vắcxin phòng ngừa COVID-19 sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Trước đó, RKI từng cho rằng Đức sẽ có vắcxin COVID-19 vào mùa Thu năm nay. Tuy nhiên, sau đó cơ quan này đã đính chính lại rằng đây là thông tin nhầm lẫn./.