Đức - Mỹ và câu chuyện vaccine phòng Covid-19

Triển vọng của loại vaccine phòng Covid-19 dẫn đến căng thẳng giữa Đức và Mỹ, trong bối cảnh Washington được cho đang muốn mua lại Cty CureVac – vốn được cho là sẽ sớm sản xuất đại trà loại vaccine quan trọng này.

Triển vọng của loại vaccine phòng Covid-19 dẫn đến căng thẳng giữa Đức và Mỹ, trong bối cảnh Washington được cho đang muốn mua lại Cty CureVac – vốn được cho là sẽ sớm sản xuất đại trà loại vaccine quan trọng này.

Ngoại trưởng Đức ngày 16-3 cho biết, quyền đối với nghiên cứu vaccine phòng virus Corona mới (SARS-CoV-2) không phải để bán, sau các báo cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua độc quyền vaccine phòng Covid-19 do Cty công nghệ sinh học của Đức phát triển.

Người dân đeo mặt nạ khi họ đi xuống phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AP

Người dân đeo mặt nạ khi họ đi xuống phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AP

Ông Trump ra giá 1 tỷ USD mua vaccine?

Tuyên bố của quan chức Đức được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông Funke, khi các nhà khoa học đua nhau phát triển một loại vaccine chống virus đã giết chết khoảng 6.000 người, khiến hàng triệu người bị cách ly và tàn phá thị trường toàn cầu.

Tuyên bố này cũng nhằm trấn an dư luận Đức sau khi báo Die Welt đưa tin, về việc Tổng thống Trump đưa ra đề nghị 1 tỷ USD để bảo đảm mua độc quyền vaccine phòng Covid-19 do Cty công nghệ sinh học CureVac của Đức phát triển. Theo tờ báo này, Tổng thống Mỹ dường như muốn lôi kéo các nhà khoa học Đức đến Mỹ bằng những khoản tài trợ lớn để bảo đảm thuốc sẽ dành riêng cho Washington. Theo nguồn tin, Giám đốc điều hành trước đây của CureVac là Daniel Menichella gặp Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Pence và các nhà quản lý công nghệ sinh học và dược phẩm cao cấp khác của Mỹ theo lời mời của Nhà Trắng vào đầu tháng 3. Chiến lược và việc lựa chọn phát triển, sản xuất vaccine đã được thảo luận tại cuộc gặp này.

Giới quan chức Đức giận dữ chỉ trích việc này. “Đức không phải để bán”, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier nói với đài truyền hình ARD. Ông Altmaier cho biết, chính phủ “sẽ đảm bảo có các hỗ trợ cần thiết” đối với các Cty đang sản xuất vaccine, và nếu có bên nào muốn mua lại, chính phủ Đức sẽ can thiệp. Chính phủ Đức đã nỗ lực để ngăn chặn ý đồ này. Một người phát ngôn Bộ Y tế liên bang cho biết, Berlin rất quan tâm đến việc sản xuất vaccine và các hoạt chất chống virus Corona mới đang được phát triển ở Đức và Châu Âu. Chính phủ Đức đang liên hệ chặt chẽ với CureVac, trong khi Cty không đưa ra bình luận về vụ việc. Lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) yêu cầu chính phủ liên bang ngăn chặn Cty CureVac bị bán sang Mỹ để đảm bảo lợi ích trước tiên của Đức và Châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết, Thủ tướng Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng ngày 16-3, và sẽ thảo luận chiến lược để bảo vệ Cty CureVac. “SARS-CoV-2 không chỉ là khủng hoảng y tế công cộng, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia”, ông Seehofer nhấn mạnh. Nhiều quan chức Đức khác có phản ứng gay gắt về bài báo trên Die Welt. “Việc bán vaccine độc quyền tại Mỹ phải được ngăn chặn bằng mọi giá”, nghị sĩ Karl Lauterbach nhấn mạnh. Theo tờ Die Welt, chính phủ Đức đang có khoản đề nghị của riêng mình để thuyết phục Cty ở lại Đức.

Tuy nhiên, Nhà Trắng bác thông tin này. Hai quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với New York Times rằng, câu chuyện trên đã được thổi phồng. Theo những người này, chính quyền ông Trump trao đổi với hơn 25 Cty có thể góp phần chế tạo vaccine, và bỏ ngỏ khả năng trao đổi với các Cty khác.

Triển vọng điều chế thành công vaccine tại Đức

Cty CureVac có trụ sở tại thành phố Tubingen của Đức cho biết có thể sớm sản xuất đại trà loại vaccine chống SARS-CoV-2 nếu các vaccine liều thấp chứng minh thành công trong quá trình thử nghiệm.

CureVac, một trong số nhà phát triển vaccine nhận được mức tài trợ từ Liên minh Sáng kiến ứng phó với dịch bệnh (CEPI), hiện nỗ lực trong hoạt động điều chế công nghệ vaccine liều thấp, vốn đã cho kết quả hứa hẹn khi thử nghiệm ở giai đoạn đầu, để chống virus corona. Cty này hy vọng sẽ có vaccine thử nghiệm vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới trước khi xin cấp phép để thử nghiệm lâm sàng. Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Florian von der Mulbe - Giám đốc sản xuất và đồng sáng lập CureVac cho biết, phương thức sử dụng vaccine liều thấp để kích hoạt phản ứng miễn dịch kháng bệnh sẽ được áp dụng để chống virus corona. Ông Mulbe cũng cho biết, CureVac có thể sản xuất tối đa 10 triệu liều trong mỗi chu kỳ sản xuất, thường kéo dài khoảng vài tuần. Mỗi bệnh nhân sẽ cần hơn 1 liều vaccine để tiêm chủng và mỗi một chu kỳ sản xuất có thể giúp tiêm chủng cho hàng triệu người. Theo ông, Cty đã nghiên cứu nhiều loại vaccine chống SARS-CoV-2 và đang lựa chọn 2 loại tốt nhất để tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_221832_duc-my-va-cau-chuyen-vaccine-phong-covid-19.aspx