Đức nói rõ quan điểm về khả năng cung cấp tên lửa tầm bắn 500km cho Ukraine
Hỗ trợ Kiev tên lửa tầm xa không phải là 'ưu tiên hàng đầu' của Berlin trong tình cảnh hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói.
Tên lửa hành trình Taurus là vũ khí uy lực do liên doanh Đức và Thụy Điển sản xuất.
Hôm 3/8, ông Pistorius bác bỏ khả năng Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, viện dẫn những lý do "quan ngại rõ ràng", theo RT.
"Chúng tôi tin rằng, cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine chưa phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay", ông Pistorius phát biểu trước các phóng viên trong chuyến thăm một lữ đoàn bộ binh miền núi ở vùng Bavaria.
Ông Pistorius chỉ ra rằng, "Mỹ hiện chưa cung cấp cho Ukraine các tên lửa hành trình hoặc đạn đạo tầm xa và Đức chưa có lý đo để làm như vậy".
Taurus KEPD 350 là mẫu tên lửa hành trình phóng từ máy bay do liên doanh Đức và Thụy Điển sản xuất. Tên lửa có tầm bắn khoảng 500km, nặng 1,4 tấn và mang đầu đạn nặng 500kg.
Mục tiêu của tên lửa Taurus là các boongke kiên cố; trung tâm chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc; sân bay, bến cảng; kho đạn hoặc cơ sở hạ tầng và cầu đường.
Mỗi quả tên lửa Taurus có giá khoảng 1,1 triệu USD. Ngoài Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc là hai quốc gia đã mua loại tên lửa hành trình tiên tiến này.
Trước đây, Đức đã bày tỏ lo ngại về việc các tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp có thể được Ukraine sử dụng để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Điều này nếu xảy ra sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
"Chúng tôi luôn xem xét kỹ các yêu cầu từ phía Ukraine. Chúng tôi có chung mối lo ngại mà Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đề cập. Đó là nguy cơ vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga", Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nói.
Ukraine hiện đang sử dụng các hệ thống vũ khí hiện đại của Đức trong chiến dịch phản công nhưng chưa đạt kết quả. Nhiều xe tăng Leopard 2 đã bị hư hại hoặc phá hủy trong giao tranh ở miền nam Ukraine.