Đức, Pháp sẽ tiếp nhận trẻ tị nạn vừa bị hỏa hoạn ở Hy Lạp
Ngày 10/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, Đức và Pháp muốn tiếp nhận những trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa sau vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi một trại tị nạn quá đông đúc trên đảo Lesbos của Hy Lạp.
Bà Merkel chia sẻ: "Tôi đã hỏi thủ tướng Hy Lạp rằng chúng tôi có thể giúp gì. Và mong muốn của ông ấy là chúng tôi thu nhận những trẻ vị thành niên đã được đưa về đất liền. Chúng tôi đã thiết lập mối liên hệ với Pháp. Đức và Pháp sẽ tham gia hoạt động này".
Trại Moria trên đảo Lesbos, nơi có hơn 12.000 người, gần như đã bị phá hủy hoàn toàn và các nhà chức trách Hy Lạp cho biết, họ đang điều tra nguyên nhân dẫn đến đám cháy khủng khiếp xảy ra vào đêm thứ Ba (8/9) vừa qua.
Vụ cháy khủng khiếp ở trại Moria càng làm nổi lên vấn đề di cư và tị nạn, vốn vẫn gây chia rẽ giữa các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) 5 năm sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 khiến hơn 1,1 triệu người tràn vào nước Đức để kiếm kế sinh nhai.
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 9/2020, Ủy ban châu Âu sẽ trình bày các đề xuất về một chính sách tị nạn chung. Các nước như Ba Lan và Hungary phản đối đề xuất rằng, trách nhiệm tiếp nhận những người tị nạn mới, phải được chia sẻ giữa các quốc gia EU. Trong khi đó, Hy Lạp và Italy cho rằng, họ không thể đối phó một mình với lượng người tị nạn quá đông như vậy.
Thủ tướng Merkel tuyên bố: "Tị nạn không phải là vấn đề riêng của các quốc gia mà những người tị nạn muốn đến. Đó cũng không phải là vấn đề chỉ của nước Đức, mà châu Âu cần phải có trách nhiệm nhiều hơn để giải quyết vấn nạn này".
Ngày 10/9, thị trưởng của 10 thành phố ở Đức (gồm Hanover, Potsdam, Freiburg, Oldenburg, Dusseldorf, Gottingen, Gießen, Cologne, Bielefeld và Krefeld) đã cùng ký một bức thư chung kêu gọi Thủ tướng Merkel và Bộ Nội vụ Đức tiếp nhận người tị nạn từ Hy Lạp, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn ở trại Moria. Trong khi đó, 16 nghị sĩ thuộc liên đảng bảo thủ CDU/CSU cũng ký một bức thư chung gửi Bộ Nội vụ Đức để kêu gọi Đức tiếp nhận khoảng 5.000 người tị nạn, thậm chí không cần phải đạt thống nhất với các quốc gia EU khác.
Cũng trong ngày 10/9, Hà Lan thông báo, liên đảng cầm quyền đã nhất trí sẽ tiếp nhận 100 người tị nạn từ trại Moria. Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte từng kịch liệt bác bỏ việc tiếp nhận người tị nạn từ Hy Lạp, nhưng vụ hỏa hoạn ở trại Moria đã khiến Hà Lan thay đổi quan điểm. Áo cũng cho biết sẽ xem xét việc tiếp nhận người tị nạn khi các nước EU như Đức, Pháp cùng thực hiện.
Nguồn: Theo Reuters