Đức Phật đản sinh vào ngày nào?
'Đức Phật đản sinh vào ngày nào?' là câu hỏi của nhiều người muốn tìm hiểu đạo Phật.
Đại lễ Phật đản hay còn được biết đến là ngày kỉ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 623 trước Công nguyên.
Đây là một trong những mùa lễ lớn của người theo đạo Phật cũng như người mến mộ đạo Phật.
Đức Phật đản sinh vào ngày nào?
Với câu hỏi "Đức Phật đản sinh ngày nào?" gần như chưa có câu trả lời thỏa đáng bởi các kinh sách Phật giáo không ghi rõ ngày sinh của Đức Phật mà chỉ chép lại Đức Phật đản sinh trong một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ.
Ngày trăng tròn của tháng Vesaka cũng là ngày chuyển giao của trời đất, mùa mưa bắt đầu, cỏ cây hồi sinh, các loài động vật cũng sinh sôi nảy nở. Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc các nhà sư tụ lại một nơi để tu học, tránh đi lại để không giẫm đạp lên các loài côn trùng, giun dế, tổn thương đến sinh mạng chúng.
Tuy nhiên, chiếu theo lịch mặt trăng thì đó là tháng tư âm lịch, và theo lịch Ấn cổ, ngày trăng tròn chính là ngày mùng 8. Và ngày 8-4 theo lịch Ấn Độ cổ cũng chính là ngày rằm tháng tư theo lịch mặt trăng hay còn gọi là âm lịch.
Do đó câu trả lời "Đức Phật đản sinh vào ngày nào?" đã được chọn là ngày 8-4 ÂL hằng năm.Thế nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25-5 đến 8-6-1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch (15-4).
Kinh điển Nam Tông và Bắc Tông đều ghi rằng mẹ Ngài - Hoàng hậu Mahamaya đản sinh Đức Phật dưới gốc cây Sa la trong cánh rừng Lambini.
Kinh điển Nam tông ghi rằng: "Khi hoàng hậu Mahamaya gần đến ngày lâm bồn mới thưa với đức vua Tịnh Phạn xin được trở về nhà mình".
Được Đức vua đồng ý, bà cùng đoàn tùy tùng đã trở về quê hương, khi đi qua cánh rừng Lambini có rất nhiều cây Sa la, bà đã dừng chân vào nghỉ ngơi. Ngay lúc đó Hoàng hậu cảm thấy chuyển bụng, đoàn tùy tùng liền che một chiếc màn quanh bà rồi rút lui.
Khi bà còn đang đứng và tay bám lấy một cành cây sala bà đã đản sinh một người con, đặt tên là Tất-Đạt-Đa (Siddhartha), có nghĩa là "người thành đạt mọi nguyện vọng". Người con trai đó sau này là Đức Phật.
Ý nghĩa đại lễ Phật đản
Trong nguyên bản của bài kinh, khi Đức Phật bước xuống đi 7 bước có 7 hoa sen thì hoa sen biểu trưng cho sự thuần khiết; bên cạnh đó, 7 bước đi cũng thể hiện chân lý lời dạy của Đức Thế Tôn vượt qua không gian (đông, tây, nam, bắc) và vượt thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai).
Những lời dạy của Ngài không bị lỗi thời theo năm tháng. Đó cũng là lý do là giáo lý của Đức Thế Tôn thì chỉ có một, nhưng những người xuất gia tu hành, hôm nay đọc thì hiểu và cảm nhận thế này, nhưng ngày mai khi thời thế khác, cuộc sống biến động, đọc lại thì vẫn có những cảm nhận mới.
Ngày nay, đại lễ Phật đản thường được tổ chức ngay trong trụ sở của Liên Hiệp Quốc vì đạo Phật là biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc, an lạc, không có bóng dáng chiến tranh. Tất cả những gì chúng ta đang làm: hòa bình, hạnh phúc, an lạc, cảm thương, tình thương, từ bi đều giúp nâng cao giá trị đạo đức tâm linh.
Sáng 22-5 (15-4 âm lịch), nhân kỷ niệm lần thứ 2648 ngày đản sanh Đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ban Thường trực Ban Trị sự - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2568 dương lịch 2024 tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10 TP.HCM). Tại đại lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh mùa Phật đản là mùa của yêu thương và hiểu biết. Qua đó, hòa thượng Thích Trí Quảng kêu gọi tất cả những người con Phật tinh tấn thực hành những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật.
"Tôi kêu gọi chư tăng, ni và quý phật tử nhất tâm cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan. Mỗi người càng tinh tấn tụ tập, thể nhập từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ" - Hòa thượng Thích Trí Quảng bày tỏ.
THĂNG BÌNH (tổng hợp)
Nguồn PLO: https://plo.vn/duc-phat-dan-sinh-vao-ngay-nao-post791839.html