Đức sẵn sàng cho cuộc chiến trong không gian
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer và Tổng thanh tra Eberhard Zorn, sĩ quan quân đội cao cấp nhất của Đức, hôm 15-7 đã chính thức thông báo về việc thành lập và ra mắt Bộ chỉ huy không gian. Đơn vị mới của quân đội Đức có trụ sở tại Trung tâm hoạt động hàng không ở Uedem và trực thuộc Luftwaffe (Lực lượng Không quân Đức).
Trung tâm quan sát
Gọi việc thành lập Bộ Chỉ huy không gian là một "bước đi lịch sử-quân sự cho tương lai của Đức”, Bộ trưởng Quốc phòng Kramp-Karrenbauer cho biết, mục đích chính của đơn vị này là tập hợp năng lực của các chiều không khí, không gian, mạng và do đó “tăng cường khả năng hoạt động trong chiều không gian”.
Đồng thời, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng công khai tuyên bố: “Trong một thời gian dài, các vệ tinh quân sự và dân sự của chúng tôi đã là một nguồn tài nguyên mà không có thứ gì hoạt động được. Đức có 6 vệ tinh của riêng mình trong quỹ đạo thấp của Trái đất. Khi một tài nguyên trở nên quan trọng, an ninh của nó trở thành một vấn đề. Đó là vấn đề có khả năng hoạt động trong không gian. Không gian không còn là lãnh địa độc quyền của các quốc gia có vũ trụ. Tất cả chúng đều “hiện diện ở đó”, các nước mới nổi và đang phát triển cũng có các chương trình vũ trụ phát triển ngày nay. Đức không thể bị bỏ lại phía sau. Vì lý do này, các khả năng khác nhau có sẵn ở Đức để bảo đảm an ninh cho cơ sở hạ tầng của chúng ta trong không gian hiện đang được tập hợp lại trong Bộ Chỉ huy không gian”.
Trên thực tế, đối với Đức, "các hoạt động không gian luôn là các hoạt động phòng thủ". Chính quyền Berlin muốn đảm bảo việc sử dụng không gian một cách hòa bình. Và, sự phát triển nhanh chóng của quá trình quân sự hóa không gian do Nga và Trung Quốc thúc đẩy đã làm thay đổi tình hình một cách nhanh chóng, khiến Đức phải có những phản ứng "với lệnh mới, trước các tình huống đe dọa mới như thế này". Theo đó, Bộ Chỉ huy không gian mới thành lập của Đức hiện có 80 đồn nhưng sẽ được mở rộng nhanh chóng lên 250 đồn. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy không gian là Đại tá Marco Manderfeld. Ngay sau lễ tuyên bố thành lập, Đức chính thức khai trương một trung tâm chỉ huy không gian quân sự mới sử dụng để quan sát hoạt động của các quốc gia khác và theo dõi rác không gian nguy hiểm.
Giải quyết các mối đe dọa dựa trên không gian
Động thái tăng cường an ninh không gian của Đức diễn ra trong bối cảnh NATO đã áp dụng một chiến lược không gian từ giữa năm 2019, xác định không gian là một lĩnh vực hoạt động cùng với đất liền, trên không, trên biển và không gian mạng. Mặc dù Đức đã tự trang bị cho chiến tranh mạng từ năm 2017 nhưng đến nay, nước này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng của Mỹ trong các hoạt động “không gian” và điều này phải thay đổi. Thêm vào đó, các cường quốc NATO cũng đang thúc đẩy quá trình quân sự hóa không gian với những hậu quả không thể lường trước được.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6, liên minh quân sự này đã quyết định rằng trong tương lai, một cuộc tấn công trong không gian cũng có thể kích hoạt các điều khoản hỗ trợ lẫn nhau của liên minh. Điều này có nghĩa là “điều tương tự cũng áp dụng cho không gian đất liền, trên biển, trên không và không gian mạng. Tấn công vào một trong số đó là tấn công vào tất cả và có thể được đáp lại bởi tất cả", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích. Trong khi đó, NATO cũng rất lo ngại về những tiến bộ quân sự của Nga và Trung Quốc, bao gồm cả sự gia tăng đáng kể các vụ phóng vệ tinh. Các chuyên gia quân sự tin rằng hai nước này có khả năng tiến hành chiến tranh trong không gian. Sự phát triển này đã khiến Mỹ, Pháp, Anh thành lập các bộ chỉ huy không gian riêng của mình để giải quyết mối đe dọa tiềm tàng này.
Vì vậy, với việc thành lập Bộ Chỉ huy không gian, Bộ Quốc phòng Đức cũng đang thực hiện "nền tảng cho tương lai". Bộ trưởng Quốc phòng Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh, Đức phải có khả năng “tiến hành các hoạt động quân sự chống lại một đối thủ ngang tầm trong một trận chiến vũ trang kết hợp và trong tương lai, cũng trong một trận chiến kết hợp các chiều - trong toàn bộ phạm vi cho đến chiến đấu cường độ cao”. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Đức phải “có khả năng đưa ra lựa chọn quân sự linh hoạt cho giới lãnh đạo chính trị và cung cấp các lực lượng và khả năng có đủ năng lực để hành động trong mọi khía cạnh phù hợp với tình hình”.
Ngoài việc theo dõi rác không gian và giám sát hoạt động của các quốc gia khác, trung tâm chỉ huy không gian dự kiến sẽ bảo vệ các vệ tinh cung cấp cho quân đội các dịch vụ liên lạc quan trọng và dữ liệu giám sát.