Đức sở hữu 3.352 tấn vàng, vì sao gần một nửa ở nước ngoài chưa thể hồi hương?
Hơn một thập kỷ trước, một câu hỏi đặt ra tại quốc hội Đức đã khởi đầu cho làn sóng hồi hương vàng dự trữ. Xu hướng hiện lan rộng trong giới ngân hàng trung ương.
Theo Kitco News, ông Peter Boehringer, nghị sĩ và người khởi xướng chương trình hồi hương vàng của Đức, cho biết ông bắt đầu nêu vấn đề từ năm 2007. Trong nhiều năm, ông là người duy nhất nêu vấn đề tại quốc hội.
Tuy nhiên, phải đến năm 2013, chiến dịch hồi hương vàng mới chính thức được triển khai. 674 tấn vàng được đưa về Đức trong vòng bốn năm sau đó.
"Dù coi đây là thành công, mục tiêu cuối cùng của tôi vẫn là đưa toàn bộ số vàng về Đức", Boehringer nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2013-2017, Đức thực hiện một trong những chiến dịch chuyển vàng vật chất lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến II, bao gồm 300 tấn từ Cục Dự trữ Liên bang New York và 374 tấn từ Ngân hàng Pháp về lưu trữ tại Frankfurt.
Tuy nhiên, Boehringer lưu ý rằng số vàng Đức nhận lại không hoàn toàn trùng khớp với số đã gửi đi. Ông cũng chỉ trích việc thiếu minh bạch trong dự trữ vàng của Hoa Kỳ, đặc biệt là kho Fort Knox - nơi tuyên bố giữ hơn 4.500 tấn vàng nhưng chưa từng có cuộc kiểm toán độc lập đầy đủ kể từ năm 1953.

Làn sóng các ngân hàng trung ương đưa vàng về nước. Ảnh: Kitco
Theo Boehringer, vấn đề không chỉ nằm ở lòng tin mà là quyền kiểm soát. Nếu vàng được giữ ở nước ngoài, quốc gia sở hữu trên danh nghĩa thực chất không hoàn toàn kiểm soát tài sản đó.
Xu hướng hồi hương vàng đang lan rộng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ngày càng thận trọng với đồng USD.
Khảo sát năm 2025 của Diễn đàn Các tổ chức Tài chính và Tiền tệ Chính thức (OMFIF) cho thấy 70% ngân hàng trung ương bày tỏ lo ngại về bất ổn chính trị tại Mỹ, tăng mạnh so với mức 37% của năm trước. Khoảng 1/3 nhà quản lý dự trữ có kế hoạch tăng tỷ trọng vàng trong hai năm tới; 40% dự kiến sẽ hành động trong thập kỷ tới.
Giá vàng giao ngay tăng 27% từ đầu năm 2025 được cho là phản ánh nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, sự suy yếu của các đồng tiền pháp định và lo ngại ngày càng lớn về "rủi ro lưu ký".
Khi được hỏi liệu Đức có nên gia tăng dự trữ vàng, Boehringer trả lời dứt khoát: “Có. Chúng ta cần thêm vàng và cần giữ nó trong nước”.
Hiện Đức nắm giữ 3.352 tấn vàng, là quốc gia có dự trữ vàng chính thức lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo Bundesbank, đến cuối năm 2023, 50,5% số vàng này được lưu trữ tại Frankfurt, phần còn lại ở New York và London.
Về khả năng thành lập một kho vàng mới ở châu Âu, Boehringer cho rằng ý tưởng này có giá trị dù vẫn còn nhạy cảm về chính trị.
Với dự báo của IMF rằng tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu có thể giảm từ 58% xuống còn 50% vào năm 2035, Boehringer nhận định: “Thế giới sẽ phân mảnh hơn và vàng sẽ là mẫu số chung còn lại”.