Đức: SPD muốn đàm phán lập liên minh cầm quyền trong tuần này
Hai ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đảng về nhất trong cuộc bầu cử, ngày 28/9 cho biết đảng trung tả hy vọng có thể tiến hành đàm phán về thành lập liên minh cầm quyền với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) vào cuối tuần này.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời ông Rolf Mützenich, Chủ tịch nhóm nghị sĩ SPD tại Quốc hội, cho biết ông hoan nghênh kế hoạch của đảng Xanh và FDP thảo luận nhằm thu hẹp sự hoài nghi nảy sinh cách đây 4 năm trong cuộc đàm phán bất thành về một liên minh Jamaica giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), FDP và đảng Xanh.
Ông cũng cho biết SPD muốn sớm tiến hành đàm phán thăm dò với hai đối tác tiềm năng này về một liên minh "đèn giao thông" (giữa SPD - FDP - đảng Xanh), đồng thời bày tỏ hy vọng Chủ tịch FDP Christian Lindner sẽ không để tiến trình thành lập chính phủ rơi vào bế tắc và kéo dài như trước đây. Ông nêu rõ: "Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu đảng Xanh và FDP có thể tập trung với chúng tôi tiến hành đàm phán thăm dò trong tuần này". Đảng Xanh và FDP có khác biệt trong nhiều vấn đề, song hai đảng cho biết trước tiên sẽ cùng thảo luận nhằm đạt thỏa hiệp trước khi bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán với đảng SPD hoặc CDU/CSU.
Trong khi đó, ứng cử viên thủ tướng của SPD Olaf Scholz cũng bày tỏ hoàn toàn kỳ vọng vào những tiến triển trong việc đàm phán một cách thực dụng và sẵn sàng hợp tác nhằm thành lập một liên minh cầm quyền.
Lãnh đạo nhóm nghị sĩ FDP tại Quốc hội Marco Buschmann kêu gọi CDU/CSU nhanh chóng làm rõ tinh thần sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về khả năng thành lập liên minh cầm quyền. Theo ông, cho tới cuối tuần này, các đảng đều phải sẵn sàng đàm phán, có thể là một liên minh Jamaica hay một "liên minh đèn đường". Trong nội bộ CDU/CSU hiện có những quan điểm khác nhau về việc lập liên minh cầm quyền, bởi có ý kiến muốn tiếp tục cầm quyền, có ý kiến lại trái ngược. Theo ông Buschmann, liên đảng bảo thủ cần phải làm rõ điều này và mục tiêu của FDP là một liên minh không kết thúc chỉ sau 2 năm cầm quyền.
Hiện ứng cử viên thủ tướng của CDU/CSU Armin Laschet cho biết ông vẫn muốn tìm cách thành lập một chính phủ, bất chấp việc liên đảng bảo thủ phải đón nhận kết quả bầu cử tồi tệ nhất từ trước tới nay. Trong khi đó đã có những ý kiến trong nội bộ CDU về vấn đề nhân sự của đảng. Thủ hiến bang Schleswig-Holstein, ông Daniel Günther (thuộc CDU), đã lên tiếng ủng hộ cuộc tranh luận về nhân sự trong CDU nếu liên đảng không thể xây dựng được liên minh cầm quyền với đảng Xanh và FDP. Ông nhấn mạnh nếu đàm phán thất bại, CDU sẽ phải xem xét lại vấn đề nhân sự cũng như sự vận hành của đảng.
Về cuộc tranh luận thành lập chính phủ, ông Günther nhấn mạnh do CDU/CSU không còn là lực lượng mạnh nhất, nên liên đảng không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc lãnh đạo chính phủ tiếp theo. Tuy nhiên, ông ủng hộ việc tiến hành đàm phán thăm dò với đảng Xanh và FDP.
Theo một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Civey thực hiện, người Đức không còn ủng hộ một chính phủ do CDU/CSU tiếp tục lãnh đạo. Có tới 71% số người được hỏi phản đối ông Laschet trở thành thủ tướng Đức với một kết quả bầu cử thấp như vậy.
Liên quan đảng Xanh, đang có những thông tin về một thỏa thuận của hai vị đồng Chủ tịch đảng là bà Annalena Baerbock và ông Robert Habeck, trong đó hai chính trị gia này được cho đã nhất trí để ông Habeck giữ chức phó thủ tướng trong trường hợp đảng Xanh tham gia liên minh cầm quyền. Một số ý kiến nội bộ đảng đã lên tiếng phản đối cách thức sắp xếp như vậy thay vì để đảng quyết định. Mùa Xuân vừa qua, ông Habeck đã dành quyền ưu tiên cho Baerbock trở thành ứng cử viên thủ tướng trong khi bản thân ông là ứng cử viên hàng đầu của đảng.
Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Đức, SPD giành được 25,7% số phiếu ủng hộ, tăng 5% so với cuộc bầu cử năm 2017, trong khi CDU/CSU được 24,1%, đảng Xanh 14,8% và FDP 11,5%. Các đảng sẽ phải đàm phán thăm dò thành lập liên minh cầm quyền và bà Angela Merkel sẽ vẫn là người đứng đầu chính phủ liên bang cho tới khi một thủ tướng mới được bầu.