Đức, Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng về thỏa thuận trục xuất người di cư
Theo Bộ Nội vụ Đức, số lượng công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức phải rời đi đã lên tới 15.000 người.
Theo AFP ngày 28-9, Đức cho biết nước này đã nhất trí một kế hoạch với Thổ Nhĩ Kỳ về việc đẩy mạnh trục xuất những người Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn không thành công, nhưng Ankara phủ nhận bất kỳ thỏa thuận nào như vậy đã được ký kết.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố trên mạng xã hội X: "Chúng tôi hiện đã đạt thỏa thuận hồi hương người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara sẽ nhanh chóng tiếp nhận lại những công dân không được phép ở lại Đức. Đây là một bước tiến trong việc hạn chế di cư bất hợp pháp ".
Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) của Đức đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị sớm đưa trở lại tới 500 công dân mỗi tuần trên "các chuyến bay đặc biệt". Đổi lại, Đức sẽ nới lỏng các quy định về thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn đến thăm quốc gia này để nghỉ lễ hoặc công tác.
Theo thông tin của FAZ, kế hoạch đã được nhất trí sau nhiều tháng đàm phán giữa văn phòng của Thủ tướng Olaf Scholz và văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Nhưng ngày 27-9, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các báo cáo "liên quan đến việc trả lại công dân không có quyền cư trú hợp pháp tại Đức về Thổ Nhĩ Kỳ là không đúng sự thật. Không có hành động nào được phép trục xuất hàng loạt công dân của chúng tôi ", một phát ngôn viên của Bộ này nêu rõ trong thông điệp trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Trước đây đã có cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề nhập cư bất hợp pháp ở Đức và các quốc gia thành viên EU khác.
Mối quan hệ của Đức rất nhạy cảm với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nơi có cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ di cư lớn nhất châu Âu, với khoảng 3 triệu người.
Chính phủ của Thủ tướng Scholz đã chịu áp lực gia tăng sau một loạt các tội phạm bạo lực và các cuộc tấn công cực đoan do những người xin tị nạn gây ra. Cuộc tranh luận đã thúc đẩy sự trỗi dậy của đảng cực hữu và chống nhập cư Alternative for Germany (AfD) một năm trước cuộc bầu cử quốc gia.
Theo nhật báo FAZ, 200 công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức ban đầu sẽ được đưa trở lại quê hương trên một số chuyến bay. Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị đưa trở lại tới 500 công dân mỗi tuần từ Đức trên những "chuyến bay đặc biệt" thay vì các chuyến bay thuê bao.
Nhật báo này tiết lộ số lượng đơn xin tị nạn của người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức đã tăng mạnh vào năm ngoái, với hầu hết người nộp đơn khai rằng họ là thành viên của nhóm thiểu số người Kurd. Năm nay, công dân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm số lượng đơn xin tị nạn lớn thứ ba, sau những người từ Syria và Afghanistan. Tuy nhiên, chỉ có một số ít đơn xin tị nạn gần đây của công dân Thổ Nhĩ Kỳ được chấp thuận.
Theo Bộ Nội vụ Đức, số lượng công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức phải rời đi đã lên tới 15.000 người.